Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An

04/05/2024 15:11
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Link nguồn bài viết
http://tapchicongthuong.com.vn/trinh-quoc-hoi-du-thao-nghi-quyet-bo-sung-co-che--chinh-sach-dac-thu-phat-trien-nghe-an-120590.htm
Truy cập link gốc
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 2/5/2024 thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chính phủ dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và có hiệu lực từ năm 2022, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách trên chưa bảo đảm để thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới, đặc biệt là để thực hiện được thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Để tạo điều kiện cho Nghệ An thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, nhằm định hướng, tạo động lực giúp tỉnh vươn lên phát triển xứng đáng với vị thế, tiềm năng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự vào cuộc rốt ráo, phối hợp nhịp nhàng trong thời gian qua giữa tỉnh Nghệ An, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội nhằm chuẩn bị nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây, sẽ sớm thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung trong việc sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tổ chức vào ngày 25/5/2023. Đó là địa phương phải cố gắng quyết liệt hơn, là chủ lực, là nội lực, là người phải thực hành, không được ỷ lại vào Trung ương; nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng rất quan trọng, không được khoán trắng cho địa phương.

Qua nhiều cuộc làm việc xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; đặc biệt là của Đảng đoàn Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết đi đến thống nhất 19 chính sách thuộc 4 nhóm lĩnh vực trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó, nhóm quản lý tài chính - ngân sách có 5 chính sách; nhóm quản lý đầu tư có 7 chính sách; nhóm quản lý đô thị, tài nguyên rừng có 2 chính sách; nhóm tổ chức bộ máy và biên chế có 5 chính sách.

Theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biển đối khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5- 11,0%/năm. Trong cơ cấu GRDP tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 42,0 - 42,5%; dịch vụ chiếm 39,0 - 39,5%; nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 - 14,0% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,5 - 5,0%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500 - 8.000 USD.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 24% GRDP. Năng suất lao động tăng bình quân 10-11%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%; diện tích nhà ở đô thị bình quân đạt 32 - 35 m2/người; hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại….

Thanh Hà