Nhìn lại bài toán phát triển kinh tế ven biển Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030

29/03/2024 10:57
Bài toán phát triển kinh tế ven biển Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030 mang tính đột phá. Sắp tới, diện mạo của thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An sẽ thay đổi nhiều, hứa hẹn không ít dự án xây dựng ra đời, tạo phễu để các nhà đầu tư thức thời rót vốn.
Link nguồn bài viết
https://baonghean.vn/nhin-lai-bai-toan-phat-trien-kinh-te-ven-bien-nghe-an-giai-doan-2024-2030-post286067.html
Truy cập link gốc
Phát triển kinh tế ven biển Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy phát triển thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là hai khu vực động lực tăng trưởng. Điều này tạo đà để định hướng trở thành tỉnh mạnh về biển vào năm 2050 sớm trở thành hiện thực.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Nghệ An sẽ chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: (i) Hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; (ii) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; (iii) Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; (iv) Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu.

Ngoài ra, tỉnh định hướng trọng tâm phát triển các ngành, lĩnh vực, gồm: công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh. Đây đều là những lĩnh vực thế mạnh, có tiềm năng của tỉnh. Kết hợp với chủ trương chính sách của chính quyền địa phương đang tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành này, hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới giúp Nghệ An thay da đổi thịt trong tương lai gần.

Đặc biệt, tỉnh còn tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị, bao gồm: TP Vinh mở rộng, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa, Diễn Châu, Đô Lương, Con Cuông... Trong đó, với lợi thế lớn về du lịch, Cửa Lò đang có hàng loạt công trình đầu tư công được rót vốn, hạ tầng đồng bộ sẽ góp phần không nhỏ để mục tiêu năm 2050 của Nghệ An sớm hoàn thành.

Hạ tầng được lấp đầy, Nghệ An đã sẵn sàng đón sóng đầu tư

Việc mở rộng thành phố Vinh đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt. Cơ quan hành chính được xây dựng mới, mang lại diện mạo xứng đáng với vị thế top 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.

Nghệ An quyết định mở rộng thành phố Vinh từ 105km2 lên 166,24 km2. Nguồn: Internet

Tiếp đến phải kể tới dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò. Công trình có tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng. Cung đường này dài 64.47 km, sở hữu 8 cầu quy mô tham gia mạnh mẽ vào việc khai thác hiệu quả tài nguyên biển và ven biển.

Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.411 tỷ đồng; giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 1.415 tỷ đồng; tạo trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở để thu hút vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn cho địa phương.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2024, UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã thông qua Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An. Cụ thể, tổng diện tích Khu kinh tế sau khi mở rộng khoảng 104.269,94ha. Tính đến tháng 11/2023, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có 273 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 131.252,76 tỷ đồng, trong đó có 81 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,54 tỷ USD.

Đặc biệt, việc xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò với số vốn lên tới 3.896 tỷ đồng sẽ giúp điểm đến này trở thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng. Nơi đây sẽ sớm trở thành trung tâm logistics, nắm giữ vai trò phân phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, dự án còn đáp ứng tốt vai trò là động lực để thu hút đầu tư từ trong và ngoài nước.

Toàn cảnh khu vực cảng biển Cửa Lò. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Chưa hết, sự có mặt của đường kết nối Vinh - thị xã Cửa Lò, việc mở rộng Khu công nghiệp WHA ở Nghi Lộc, định hướng đầu tư phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai 1, 2 ở thị xã Hoàng Mai... cũng tạo đà giúp Nghệ An đón sóng đầu tư, sớm chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.

Có thể thấy, các khu công nghiệp phát triển, trung tâm hành chính Vinh mở rộng đồng nghĩa với việc nhiều chuyên gia, cán bộ, quan chức đến với Nghệ An nhiều hơn. Chưa hết, tiềm năng du lịch biển lớn thu hút du khách thập phương tìm về điểm đến này để khám phá.

Điều kể trên đồng nghĩa với việc, nhu cầu lưu trú tăng, mô hình khách sạn kết hợp căn hộ lưu trú lâu dài sẽ là mảnh ghép còn thiếu giúp Nghệ An thay đổi diện mạo.

Tóm lại, bài toán quy hoạch của tỉnh Nghệ An thể hiện rõ sự đồng bộ. Lãnh đạo tỉnh đã “sắp đúng chỗ, đặt đúng tên” cho từng hạng mục nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Điều này sẽ tạo đà cho kinh tế phát triển.

Những điểm cộng kể trên đang giúp Nghệ An trở thành điểm thu hút nhiều nhà đầu tư tìm tới. Tương lai gần, sẽ còn nhiều dự án mới được triển khai xây dựng, mang lại thay đổi tích cực về kinh tế và diện mạo của tỉnh.

Nguồn:

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-quy-hoach-tinh-nghe-an-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-119240113075807265.htm

P.V