'Quả ngọt' mùa giá rét

23/11/2024 15:42
Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/qua-ngot-mua-gia-ret-post277846.html
Truy cập link gốc
“Quả ngọt” mùa đông đã âm thầm lên hương trên các vùng quê Hà Tĩnh, đã hiện diện trong Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 với 100 gian hàng bày bán hàng trăm sản phẩm đa dạng. Không chỉ đa dạng, các mặt hàng nông sản còn được gắn với những tiêu chuẩn chất lượng sạch, ngon, bổ dưỡng như: OCOP, VietGAP… Chứng kiến nụ cười và phong thái tự tin của những người nông dân Hà Tĩnh khi giới thiệu, chào bán với khách hàng những sản phẩm tự tay mình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tôi không khỏi nhớ về hình ảnh quê mình những mùa đông xưa cũ.

Nông dân xã Hương Minh (Vũ Quang) thu hoạch vụ cam năm 2024.

Thời ấy, cách đây vài ba chục năm, mùa đông đến, người nông dân không chỉ có nỗi lo rét mướt mà còn là mùa “giáp hạt” đói kém. Ngoài trông chờ vào vụ lúa mùa tháng 10 bấp bênh với bão lũ thì hầu như vụ đông quanh quẩn với cây sắn, cây khoai canh tác truyền thống ít hiệu quả. Đặc biệt, mùa đông ở các vùng quê miền núi lại càng tiêu điều. Vậy nhưng, trong những năm gần đây, mùa đông với người nông dân quê tôi là mùa rộn ràng của gieo trồng, thu hoạch, với nhiều người, nhiều vùng còn là vụ chính của năm.

Một gian hàng nông sản tại Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024.

Là người sở hữu một gian hàng tại Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024, ông Nguyễn Minh Sơn (xã Phúc Đồng, Hương Khê) cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 ha đất đồi, hơn 10 năm trước chỉ trồng chè, keo và cây tạp. Dù có vườn đồi rộng nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, về mùa đông thì càng thêm hiu quạnh. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, sau khi có chủ trương của các cấp, ngành trong khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế, tôi đã chuyển hướng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, mỗi năm, vào dịp này, gia đình tôi lại rộn ràng vào mùa thu hoạch… Nguồn thu từ việc trồng cam mang lại cho gia đình tôi mỗi năm từ 250-300 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống sung túc, nuôi được con cái ăn học đầy đủ”.

Ông Nguyễn Minh Sơn (xã Phúc Đồng, Hương Khê) tự tin khi giới thiệu sản phẩm cam VietGap.

Những ngày này, trên khắp mọi miền quê núi Hồng - sông La, người nông dân cũng đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông, với sự đa dạng về các loại cây giống và cách thức canh tác. Một trong những điển hình về chuyển đổi cây trồng vụ đông theo hướng hàng hóa là mô hình sản xuất cây rau giống của nông dân thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc). Từ canh tác manh mún, nhỏ lẻ, khoảng 5-6 năm nay, nhờ phong trào xây dựng NTM, chính quyền và người dân thôn Hồng Lĩnh đã đưa cây rau giống vào hình thức chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, cung cấp nhiều loại cây giống cao cấp phục vụ nông dân trong và ngoài tỉnh sản xuất vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Hoan - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Lĩnh cho biết: “Phong trào xây dựng NTM gắn với tiêu chí vườn mẫu, thu nhập đã thúc đẩy người nông dân tìm hướng đi trong phát triển kinh tế. Trong đó, sự hỗ trợ về chính sách vay vốn, định hướng sản xuất và tập huấn kiến thức KHKT trong nuôi trồng của các cấp, ngành đã tạo thuận lợi, cổ vũ, khuyến khích nông dân vươn lên làm giàu. Thôn chúng tôi hiện có 70 hộ dân, trong đó 80% gia đình tập trung sản xuất cây rau giống vào vụ đông, với các loại như: su hào, súp lơ, cải bắp, các loại rau… Sản xuất rau giống vụ đông mang lại thu nhập cho gia đình từ 100-300 triệu đồng/hộ/vụ”.

Áp dụng KHKT vào sản xuất cây rau giống vụ đông, nông dân thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/1 vụ.

“Quả ngọt” vụ đông của nông dân Hà Tĩnh còn đáp ứng cuộc sống tinh thần ngày một nâng cao. Trong đó, có sự xuất hiện của nhiều mô hình nhà màng trồng hoa phục vụ tết Nguyên đán. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mô hình nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới béc, cùng các kỹ thuật tiên tiến đã giúp Hà Tĩnh hình thành nên nhiều “làng hoa” tết ở khắp các địa phương. Tiêu biểu như: làng hoa Lưu Vĩnh Sơn, mô hình trồng hoa lan công nghệ cao ở Thạch Khê (Thạch Hà); các mô hình hoa phục vụ tết ở các xã Tùng Lộc (Can Lộc), Hồng Lộc (Lộc Hà), Xuân Yên (Nghi Xuân), Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh), phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh)… Trồng hoa tết là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên một đơn vị sản xuất của nông dân Hà Tĩnh.

Cùng với linh hoạt ứng phó thời tiết, áp dụng tiến bộ KHKT nâng cao chất lượng sản phẩm, nông dân Hà Tĩnh còn tích cực chuyển đổi số trong quảng bá hàng hóa. Hầu như các chủ nhà vườn, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm OCOP, VietGAP… đều được tập huấn chuyển đổi số và ứng dụng vào việc chào bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Zalo…

Ngày nay, livestream bán hàng trên không gian mạng không còn xa lạ đối với nông dân Hà Tĩnh.

Chị Lê Thị Cẩm Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thảo Vân (Hương Khê) cho biết: “HTX của chúng tôi có 9 thành viên chính thức và liên kết với hàng chục hộ sản xuất cam VietGAP trên địa bàn huyện. Thời gian qua, thông qua sự hướng dẫn của HTX, tất cả các hộ nông dân đều thực hiện quảng bá bán hàng trên không gian mạng. Sản lượng cam mỗi vụ bán ra theo hình thức này đạt từ 70-80%”.

Vui với người nông dân giữa mùa “quả ngọt”, chúng ta càng thêm vững niềm tin vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân.

Thiên Vỹ