Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/nhiet-do-giam-sau-nhieu-tre-em-nguoi-gia-nhap-vien-post279295.html
Truy cập link gốc
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên nhiệt độ ở Hà Tĩnh giảm sâu, có những thời điểm giảm xuống ngưỡng dưới 14 độ C. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, khiến số lượng trẻ em bị mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và người già mắc các bệnh lý về tim mạch, phổi gia tăng, nhất là tại BVĐK tỉnh.
Những ngày gần đây nhiệt độ ở Hà Tĩnh giảm sâu. Đang chăm sóc cho con tại Khoa Nhi của BVĐK tỉnh, chị Nguyễn Thị Nhung (xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Mấy ngày qua, cháu liên tục bị sốt, ho và khó thở, người mệt mỏi nên tôi đã đi mua thuốc để điều trị. Tuy nhiên, qua mấy ngày vẫn không khỏi nên tôi chuyển cháu đến BVĐK tỉnh để kiểm tra. Qua thăm khám, chụp phim, các bác sỹ kết luận cháu bị viêm phổi khá nặng”.
Theo các bác sỹ Trần Thị Hương – Phó Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), trường hợp như con của chị Nhung không hiếm trong những ngày gần đây. Do thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm rất sâu nên số lượng bệnh nhân vào nhập viện gia tăng đột biến. Bệnh lý mà trẻ mắc chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, cúm…
Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân điều trị tại Khoa Nhi của BVĐK tỉnh luôn ở mức trên 100 bệnh nhân, tăng hơn 20% so với những ngày thời tiết bình thường.
Bác sỹ Trần Thị Hương thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm phổi. Thời tiết chuyển lạnh còn khiến số lượng người bị mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ gia tăng, nhất là ở người già. Theo thống kế từ Khoa Tim mạch (BVĐK tỉnh), trong những ngày nhiệt độ giảm sâu, thời tiết rét đậm, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng hơn bình thường khoảng trên 15%. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận mới từ 20 – 30 bệnh nhân vào điều trị nội trú.
Bác sỹ Phạm Hữu Đà – Trưởng khoa Tim mạch cho biết: “Thời tiết lạnh khiến cơ thể dễ bị lên các cơn tăng huyết áp, từ đó tăng tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi, suy tim, đột quỵ. Đây đều là các bệnh lý nguy hiểm, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, người già, người mắc các bệnh nền, nhất là bệnh tăng huyết áp cần hết sức cẩn trọng”.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Trần Thị Tứ (79 tuổi, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) vốn có bệnh nền tăng huyết áp, từng có tiền sử về bệnh tim mạch, khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, nhiệt độ giảm sâu đã khiến bà bị suy tim. Rất may, bệnh nhân được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời tại BVĐK tỉnh nên tình trạng bệnh đã được kiểm soát.
Bác sỹ Phạm Hữu Đà thăm khám cho một bệnh nhân bị tim mạch. Ngoài các bệnh lý về tim mạch, thời tiết lạnh còn khiến cho người bị phổi tắc nghẽn mãn tính dễ bị tái phát các triệu chứng của bệnh.
Không chỉ tại BVĐK tỉnh mà hiện nay, tại cácb bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, số lượng trẻ em và người già nhập viện đều có sự gia tăng ở mức từ 15% - 25%. Điều này cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến sức khỏe của người dân.
Bác sỹ Phạm Hữu Đà – Trưởng khoa Tim mạch khuyến cáo: “Trong thời tiết lạnh như hiện nay thì người già, người có bệnh lý nền cần chú trọng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đối với người bị các bệnh lý nền cần thường xuyên kiểm tra huyết áp và dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sỹ khi ở nhà. Chủ động kiểm tra mỡ máu, tim mạch, khi có các thông số bất thường cần đến cơ sở y tế tái khám. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia... Chú trọng tập luyện thể dục thể thao, song việc tập luyện phải phù hợp, tránh tập thể dục ngoài trời quá sớm hoặc quá muộn. Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường như: sốt, người ớn lạnh, thân nhiệt tăng hay hạ, đau đầu, chóng mặt, đi đứng mất thăng bằng... cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị”.
Nhiệt độ giảm sâu đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em. Còn đối với trẻ nhỏ, bác sỹ Trần Thị Hương – Phó Trưởng khoa Nhi khuyến cáo: "Trong thời tiết như hiện nay, các bậc phụ huynh cần quản lý tốt con trẻ. Mặc quần áo đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu...; không gian trong nhà cần được đóng cửa kín cẩn thận không để gió lùa. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp. Cho trẻ được ăn chín, uống sôi, đảm bảo về dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần quan tâm, thực hiện tốt khâu vệ sinh cho trẻ, đây được coi là “vắc-xin” để phòng tránh nhiều loại bệnh. Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm túc lịch tiêm chủng để phòng ngừa hiệu quả một số bệnh thường gặp. Khi trẻ có những dấu hiệu như: sốt cao, ho kéo dài, tiêu chảy... cần đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời".
Phúc Quang