Link nguồn bài viết https://www.vietnamplus.vn/nghe-an-go-kho-cho-lao-dong-o-huyen-ngheo-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post1002203.vnp
Truy cập link gốc
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại Sân bay Incheon. Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)Nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giúp hàng nghìn lao động sinh sống ở các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài có việc làm ổn định.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chính sách này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, điều chỉnh phù hợp.
Cơ hội cho người lao độngNhững năm gần đây, huyện Quế Phong tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về đưa lao động đi làm việc nước ngoài. Đồng thời, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi làm việc nước ngoài.
Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong, ước tính đến hết năm 2024, địa phương đã hỗ trợ hơn 70 lao động đi làm việc nước ngoài với tổng kinh phí 741,74 triệu đồng. Người lao động được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng... Họ chủ yếu làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... với các nghề trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, lắp ráp linh kiện điện tử.
Bà Quang Thị Hoài, Phó Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong, cho biết trung bình một lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ vay vốn ban đầu khoảng 120-250 triệu đồng/thị trường, giúp chi trả các khoản trước khi làm thủ tục xuất cảnh để đi làm việc ở nước ngoài.
Huyện đã phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động uy tín, các xã, thị trấn tổ chức truyền thông về tận thôn, bản để người dân nắm bắt thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời tuyên truyền tới người lao động, nhất là thanh niên trẻ cố gắng học tiếng, học nghề để đi xuất khẩu lao động. Khi hết hạn hợp đồng, với tay nghề đã có, người lao động có thể làm việc ở các công ty trong nước hoặc có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Người lao động rất phấn khởi khi biết thông tin này, bà Hoài cho hay.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục cho người dân vay vốn. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN) Từ năm 2022, Nghệ An đã thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Nghệ An đã hỗ trợ đào tạo cho 198 lao động, trong đó có 152 lao động được hỗ trợ đã xuất cảnh; hỗ trợ các khoản chi phí khác trong quá trình đào tạo cho 198 lao động; tư vấn cho 4.234 lao động và thân nhân về nội dung đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại huyện Quỳ Châu, đến tháng 12/2024, số người được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài là hơn 60 người với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Dự án đã góp phần thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động ở huyện, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người lao động trên địa bàn các huyện nghèo, được sự ủng hộ của nhân dân.
Tuy nhiên, hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ cho người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài còn rườm rà, phần lớn lao động không có biên lai/phiếu thu các khoản tiền được hỗ trợ. Số kinh phí phân bổ cho tiểu dự án nhiều so với nhu cầu nên tỷ lệ giải ngân của dự án đạt thấp,” ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Châu cho biết.
Cần điều chỉnh chính sách hỗ trợTuy đem lại nhiều lợi ích nhưng hiện nay, Tiểu dự án 2 (Dự án 4) về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt 8,29%. Cụ thể, tổng vốn Trung ương giao thực hiện năm 2024 là gần 7,7 tỷ đồng (gồm vốn năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là gần 3,9 tỷ đồng, vốn năm 2024 là 3,8 tỷ đồng) để thực hiện tiểu dự án.
Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2024 mới giải ngân được hơn 371 triệu đồng vốn năm 2022, 2023 chuyển sang, lũy kế đến nay giải ngân được gần 1,5 tỷ đồng cho các hoạt động. Đó là hỗ trợ trực tiếp chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, làm lý lịch tư pháp, lệ phí cấp visa cho người lao động đủ điều kiện xuất cảnh; thực hiện tập huấn cho cán bộ và tuyên truyền viên cơ sở, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động và thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Việc chậm trễ này được lý giải là do người lao động không cung cấp được hóa đơn, chứng từ (theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023) đối với các khoản thu học tiếng, giáo dục định hướng, chi phí xuất cảnh dùng để thanh toán với cơ quan Nhà nước.
Người lao động học tiếng Hàn tại trung tâm Dịch vụ việc làm trước khi đi xuất khẩu. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) Một số huyện chưa thực hiện hỗ trợ đối với cán bộ làm công tác tư vấn; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thu thập, lưu giữ những hồ sơ, giấy tờ liên quan. Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí hỗ trợ của các huyện chưa được quan tâm đúng mức; chưa có hướng dẫn ban hành giá của dịch vụ đào tạo ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, gây khó khăn trong việc xác định đơn giá để đặt hàng đào tạo ngoại ngữ với các đơn vị dịch vụ.
Ở huyện Quế Phong, người lao động phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vì vậy các khoản kinh phí bỏ ra để đi làm việc ở nước ngoài nhiều mà số tiền hỗ trợ cho người lao động theo quy định còn quá ít so với các khoản kinh phí thực tế. Nhiều lao động sau khi hoàn thành các thủ tục hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài không lưu giữ hồ sơ, làm mất hồ sơ dẫn đến số lao động đề nghị hỗ trợ còn ít người.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền, việc để người lao động cung cấp chứng từ nhận hỗ trợ rất khó khăn vì vậy đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sang hỗ trợ trọn gói cho người lao động theo từng thị trường và đối tượng cụ thể.
Tương tự các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu cũng mong muốn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sửa đổi những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó xây dựng phương án hỗ trợ “khoán” theo thị trường, công việc.
Năm 2025, Nghệ An tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động sinh sống ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như hỗ trợ tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo, trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động. Ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Dự kiến nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 3,8 tỷ đồng (vốn sự nghiệp).
Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị nguồn lao động trước khi xuất cảnh, tỉnh tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động nước ngoài. Trong đó, tỉnh chú trọng đến các yếu tố về kỹ năng tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật..., ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An nhấn mạnh./.
(TTXVN/Vietnam+)