Nghệ An xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư

14/12/2024 19:50
Trong khi chưa xử lý xong trong số cơ sở nhà, đất dôi dư tồn đọng, dự kiến Nghệ An sẽ có thêm nhiều trụ sở, công sở dôi dư khi thực hiện Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Các tài sản công dôi dư đang được tỉnh nỗ lực xử lý để tránh lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước.
Link nguồn bài viết
https://nhandan.vn/nghe-an-xu-ly-co-so-nha-dat-doi-du-post850423.html
Truy cập link gốc
Trụ sở xã Nam Cường (huyện Nam Đàn) bỏ không sau khi sáp nhập xã Nam Phúc, Nam Trung, Nam Cường thành xã Trung Phúc Cường.

Còn tồn đọng 82 cơ sở nhà, đất

Thống kê từ Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 82 số cơ sở nhà, đất không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả nhưng chưa giải quyết xong, chưa kể các cơ sở nhà, đất khối-xóm. Đây là các tài sản dôi dư khi địa phương thực hiện giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập và sáp nhập các đơn vị hành chính chuyển đến trụ sở mới (đối với các đơn vị thuộc Trung ương quản lý).

Cụ thể, có 21 cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý (như: trụ sở cũ Kho bạc Nhà nước huyện Quế Phong; trụ sở cũ Kho bạc Nhà nước Tân Kỳ; trụ sở cũ Kho bạc Nhà nước Quỳ Châu; trụ sở cũ Tòa án nhân dân tỉnh…); 16 trụ sở chưa chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý (như: trụ sở cũ Công an huyện Thanh Chương; trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương; trụ sở cũ Chi cục Thuế huyện Tân Kỳ; trụ sở cũ Bảo hiểm xã hội Nghi Lộc…); 61 cơ sở nhà đất thuộc cấp huyện quản lý (huyện Tân Kỳ năm cơ sở, Tương Dương sáu cơ sở, Nam Đàn tám cơ sở…) chưa có phương án được phê duyệt.

Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Các trụ sở, công sở nêu trên không phải thực hiện hình thức điều chuyển, chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn quản lý, sử dụng do các cơ quan, đơn vị này đã có trụ sở làm việc hoặc không đủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng cho nên phải thực hiện theo hình thức thu hồi, hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, do quy hoạch sử dụng đất theo pháp luật đất đai và quy hoạch xây dựng theo pháp luật xây dựng được duyệt chưa được điều chỉnh theo mục đích sử dụng mới sau sắp xếp, cho nên địa phương đang trong thời gian điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để bảo đảm phương án thu hồi hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng quy định.

Theo đại diện Phòng quản lý Giá và Công sản, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, thực tế, nhiều cơ sở nhà, đất nếu tổ chức đấu giá thì người trúng đấu giá không thể sử dụng được tài sản trên đất, do các trụ sở này được xây dựng với đặc thù riêng,... không phù hợp, tương thích với phương án sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều trụ sở, tài sản công dôi dư nằm ở vị trí các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ, khó tìm được đối tượng tham gia đấu giá.

Trong khi số trụ sở, công sở dôi dư nêu trên chưa được xử lý xong, thì với việc giảm từ 21 đơn vị cấp huyện xuống còn 20, giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 xuống còn 412 khi thực hiện Nghị quyết số 1243 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, đồng nghĩa sẽ có rất nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư phải thực hiện sắp xếp.

Cụ thể, việc sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh dự kiến có 32 cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp. Việc sáp nhập các xã dự kiến có 465 cơ sở nhà, đất (như các huyện Tân Kỳ 20, Đô Lương 10, thành phố Vinh 28, Nghĩa Đàn 30, Thanh Chương 92, Quỳnh Lưu 74, Diễn Châu 50, Nghi Lộc 20,…) phải thực hiện sắp xếp, bao gồm cả số cơ sở nhà, đất giữ lại tiếp tục sử dụng.

Sẽ thực hiện rà soát, phân loại

Về phương án xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư, ông Dũng cho biết thêm: Đối với các trụ sở, công sở không sử dụng mà theo quy hoạch được duyệt phù hợp mục đích đất ở thì sẽ chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai; thời gian thực hiện trong hai năm 2025 và 2026.

Đối với các trụ sở, công sở không sử dụng mà theo quy hoạch được duyệt không phù hợp mục đích đất ở, căn cứ vào Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ về ban hành quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024).

Trong đó, đối với cơ sở nhà, đất có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và nhà, đất có quyết định chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được cấp có thẩm quyền giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) và tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trong năm 2025, Sở Tài chính sẽ phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, phân loại toàn bộ quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở trình cấp có thẩm quyền giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý theo các mục đích quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 108/2024/NĐ-CP; đồng thời thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Liên quan việc xử lý các cơ sở nhà, đất bị dôi dư sau sáp nhập, tại kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 18 vừa diễn ra (từ ngày 5-6/12), bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho hay, có một thực trạng đang xảy ra, đó là “thừa thiết chế, thiếu quy mô”. Sau sáp nhập đơn vị hành chính, số lượng nhà sinh hoạt văn hóa dôi dư nhiều.

Tuy vậy, nhiều cơ sở diện tích chật hẹp, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân. Hiện, nhà văn hóa đạt chuẩn chỉ mới đạt 82%. Do đó, đề nghị các địa phương quan tâm, rà soát, phân loại, sớm có phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, tránh lãng phí.

Bài và ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU