Link nguồn bài viết https://nhandan.vn/diem-sang-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-o-nghe-an-post848791.html
Truy cập link gốc
Người dân làm thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An. (Ảnh ĐỨC ANH)Ở xóm Đồng Đức, xã Mã Thành, huyện Yên Thành, nhiều người bất ngờ khi vợ chồng ông Phạm Văn Nghị vốn là nhà nông, nhưng giờ hằng tháng lại được nhận lương hưu như “người nhà nước”. Tìm hiểu mới biết, cách đây 20 năm, vợ chồng ông đã bắt đầu tham gia bảo hiểm nông dân, sau này là bảo hiểm tự nguyện. Đây cũng là lý do mà trước đây, không ít người vốn chẳng mặn mà, thậm chí khó chịu khi nhắc tới bảo hiểm, nhưng giờ lại đăng ký tham gia bảo hiểm…
Để hưởng lương hưu lúc về giàTháng 4 vừa qua, sau khi được cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Yên Thành và chính quyền địa phương giải thích về tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, lại được Nhà nước hỗ trợ 30% phí đóng, anh Nguyễn Bá Quân, 43 tuổi, làm nghề thợ xây, thuộc diện hộ nghèo quyết định rút hơn 18 triệu đồng tiền tiết kiệm để đóng phí bảo hiểm cho 5 năm liền.
Anh Quân chia sẻ: “Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, tôi chỉ cần đóng thêm 10 năm nữa là về già có thể nhận lương hưu hằng tháng, thật sự rất phấn khởi và yên tâm khi về già”. Anh Quân nằm trong số 124 người tham gia bảo hiểm tự nguyện ở xã Mã Thành trong năm 2024, nâng tổng số người đóng bảo hiểm tự nguyện trong xã lên gần 649 người; chưa kể gần 1.000 lao động của xã đang làm việc ở các doanh nghiệp được đóng bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mã Thành Trần Đình Cảnh, cho biết: “Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho nhân dân cho nên ngày càng có nhiều người tham gia. Chúng tôi gắn việc phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào phong trào thi đua của các tổ chức đoàn, hội, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân”.
Trên địa bàn xã Mã Thành, nhiều hộ dân đã xây dựng được quỹ tiết kiệm đóng bảo hiểm và hình thành các nhóm hỗ trợ nhau để đóng bảo hiểm. Nhiều gia đình có con, cháu đi xuất khẩu lao động gửi tiền về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho ông bà, bố mẹ. Xã đang có 10 trường hợp hưởng lương hưu từ bảo hiểm xã hội tự nguyện, ít năm nữa sẽ có hội hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thịnh Thành Nguyễn Đình Phong, tuy đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, nhưng qua tuyên truyền của bảo hiểm xã hội huyện, người dân thấu hiểu, gia đình có hoàn cảnh khó khăn lại càng cần phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để ổn định cuộc sống, nhất là khi ốm đau, về già.
Trong năm 2024, toàn xã có 154 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số trường hợp tham gia lên 283 người. Bà Mai Thị Lĩnh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Yên Thành cho biết: Tính đến ngày 31/10, đã có 19.190 đối tượng ở Yên Thành tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; trong đó, đối tượng tăng mới trong 10 tháng năm 2024 là hơn 3.000 người.
Cùng với huyện Yên Thành, thời gian gần đây, nhờ đổi mới phương pháp thực hiện nên huyện Diễn Châu cũng có bước phát triển bảo hiểm tự nguyện khá ấn tượng. Ông Lê Thanh Cảnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Diễn Châu thông tin: Trên địa bàn huyện đã có 11.689 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; riêng 10 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 3.000 người so cùng kỳ năm 2023…
Huyện Tương Dương là một trong những địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đánh giá cao về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Năm 2024, huyện miền núi 30a này ghi nhận mức tăng trưởng đột biến về số trường hợp tham gia, ngay như ở xã Xá Lượng, nơi có đông người dân đồng bào dân tộc H’Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống. Xá Lượng có 9 bản, với 39,28% hộ nghèo và cận nghèo, nhưng đây lại là xã có số người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc diện khá của huyện Tương Dương. Năm 2024, Xá Lượng có đến 121 người tham gia, vượt gần 19% kế hoạch được giao.
Anh Vừ Bá Xiêng, Trưởng bản Hợp Thành, xã Xá Lượng chia sẻ: Theo quy định, số tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức tối thiểu, sau khi trừ đi phần hỗ trợ của Nhà nước thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng khác phải đóng lần lượt là 231.000 đồng, 247.500 đồng và 297.000 đồng/tháng.
Với mức đóng này, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thể tham gia được. Không chỉ là người đi vận động, mà vợ chồng Trưởng bản Hợp Thành còn là những người đi đầu tham gia loại hình bảo hiểm này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xá Lượng Ngân Văn Tứ cho biết: Căn cứ vào chỉ tiêu ở trên giao, tùy vào dân số của mỗi bản, xã giao chỉ tiêu cho các bản vận động được từ 5-10 người tham gia. “Xã chủ trương lồng ghép tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào các buổi sinh hoạt thôn, bản.
Phải giải thích làm sao để người dân hiểu được việc tham gia bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết. Chúng tôi chủ trương đảng viên, cán bộ thôn bản là những người tham gia trước, từ đó lan tỏa”, đồng chí Tứ chia sẻ thêm.
Hay như tại bản Mác, thị trấn Thạch Giám, nơi sinh sống tập trung của bà con người dân tộc Thái, với 126 hộ, hơn 500 nhân khẩu, từ đầu năm đến nay, bản có 28 người tham gia bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý, có hộ dân có nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia, chẳng hạn như gia đình ông Vi Văn May, sinh năm 1977. Sau khi đóng cho mình và vợ, ông May còn động viên con trai mình tham gia và tới đây, con dâu cũng sẽ cố gắng để tham gia. Tính chung trên địa bàn thị trấn Thạch Giám có đến 339 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội Nghệ An tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế ở chợ Quán Lau, thành phố Vinh (Nghệ An).Đổi mới phương thức tuyên truyềnChia sẻ về cách làm mang lại hiệu quả, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện Yên Thành và huyện Tương Dương đều cho biết: Sau khi xác định được đối tượng tiềm năng, Bảo hiểm xã hội huyện cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức dịch vụ thu và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp tổ chức hội nghị truyền thông khách hàng.
Trong khâu tuyên truyền, cán bộ bảo hiểm xã hội huyện trực tiếp phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện một cách ngắn gọn để người dân dễ tiếp cận và hiểu được tầm quan trọng của chính sách. Ngoài việc tổ chức hội nghị truyền thông, cán bộ bảo hiểm phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp 1:1 tại nhà, hoặc tuyên truyền theo các nhóm nhỏ…
Đối với địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản...
Thực tế cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất chia sẻ: Huyện giao chỉ tiêu tới từng ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Hằng tháng, kết quả thực hiện các loại bảo hiểm của các xã, thị trấn phải được báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao. Chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội các cấp, đồng hành trong công tác tuyên truyền đến từng đối tượng.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cho thấy, giai đoạn 2020-2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng dần theo từng năm. Đến tháng 10/2024, tăng 55.621 trường hợp so với năm 2020. Trung bình mỗi năm tăng 11.124 người; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội của Nghệ An đạt mức 25,6%.
Con số này còn cách xa mục tiêu bảo đảm tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 đạt 45% và đến năm 2030 đạt 60% theo chỉ tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, đây là một kết quả đáng tự hào đối với địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn như Nghệ An.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến ngày càng có nhiều người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Lê Viết Thức, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng, đó là nhờ sự vào cuộc, đồng hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, quan trọng nhất là hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được ban hành đồng bộ và không ngừng hoàn thiện theo hướng gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia.
Mới đây, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện...
THÀNH CHÂU và TRUNG HIẾU