Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/thanh-sen-bat-canh-post278488.html
Truy cập link gốc
Từ những tư liệu để lại, “Tỉnh thành bát cảnh” là tám cảnh đẹp của Thành Sen xưa, được chia làm 4 cặp: (1) “Thành Sen cảnh sắc - Võ Miếu linh từ” nghĩa là cảnh đẹp Thành Sen và đền thiêng Võ Miếu; (2) “Cảm Lĩnh giai sơn - Nại Giang tú khí” nghĩa là: núi đẹp Cảm Lĩnh (núi Nài) - khí lành Nại Giang (sông Phủ); (3) “Tân Giang đoãn thủy - Văn Miếu trường thanh”, tức là sông ngắn Tân Giang (sông Cụt) - Văn Miếu có tiếng từ rất lâu; (4) “Tỉnh thị danh thương - Tịnh lâm cổ tự”, nghĩa là chợ Tỉnh có nổi danh của cả vùng và ngôi chùa cổ Tịnh Lâm (chùa Cảm Sơn).
TP Hà Tĩnh được xây dựng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, xứng đáng với tên gọi “Cảnh sắc Thành Sen”. Theo tư liệu lịch sử, Thành Sen xưa là vùng đất có sự phát triển sầm uất, trù phú. Các cảnh quan, công trình mà “Tỉnh thành bát cảnh” nhắc đến chính là những công trình văn hóa - lịch sử gắn với tỉnh lỵ Hà Tĩnh xưa qua các triều đại phong kiến.
"Thành Sen cảnh sắc" - Những tư liệu về thành Hà Tĩnh đều ghi lại rằng, năm 1875, vua Tự Đức cho tái lập tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh thành lại dời về thành cũ ở Trung Tiết. Đến năm Nhâm Ngọ (1882), thành Hà Tĩnh mới được xây dựng bằng đá ong. Thành xây theo kiểu Vô-băng, một kiểu thành phòng ngự rất được ưa chuộng ở châu Âu thế kỷ XVIII.
Tương truyền, khi lị sở tỉnh Hà Tĩnh còn đặt tại Đạo thành Đại Nài (tại thôn Nài Thị), sau một đêm mưa to gió lớn, người dân và quan lại tỉnh nhà hết sức ngạc nhiên khi thấy sen mọc đầy trong hào thành (tại thành cũ Trung Tiết). Quan lại tỉnh Hà Tĩnh cho đó là "điềm lành", bèn dâng sớ tâu xin vua cho dời tỉnh thành về lại Trung Tiết. Từ đó, người ta còn gọi vùng đất này là "Thành Sen".
Trải bao mưa nắng và biến thiên của lịch sử, dấu tích thành cũ không còn nhiều nhưng những công trình mới đã được xây dựng quy mô, đưa nơi đây trở thành trung tâm chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng TP Hà Tĩnh văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, xứng đáng với tên gọi “Cảnh sắc Thành Sen”.
Võ Miếu linh từ. Ảnh tư liệu. "Võ Miếu linh từ" - Di tích lịch sử văn hóa Võ Miếu (đền Võ Miếu) là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Đền được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1898). Di tích Võ Miếu thờ Quan Thành - một tướng có tài mưu lược, khí phách anh hùng và rất mực trung nghĩa. Hiện, Võ Miếu đã được xây dựng quy mô, tu bổ, tôn tạo, trở thành di tích văn hóa giàu ý nghĩa lịch sử và nhân văn, là địa chỉ tâm linh của Nhân dân trong và ngoài thành phố. Năm 1996, Võ Miếu được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Cảm Lĩnh giai sơn - Nại Giang tú khí. "Cảm Lĩnh giai sơn - Nại Giang tú khí” - núi Nài, sông Phủ với vẻ đẹp thiên nhiên và những trầm tích văn hóa được kiến tạo nên bởi nhiều thế hệ. Núi Nài tuy nhỏ và trông xa chỉ như một hòn non bộ nhưng vẫn toát lên vẻ trầm mặc, uy nghi. Núi còn trở nên huyền hoặc hơn khi có nhiều công trình văn hóa. Phía Tây núi Nài có miếu nhỏ Cảm Lĩnh thờ sơn linh, phía Tây Nam có chùa Cảm Sơn. Từ trên non cao núi Nài, người dân cũng có thể ngắm nhìn sông Phủ. Sông bắt nguồn từ hệ thống sông Rào Cái, hiền hòa vòng quanh thành phố Hà Tĩnh.
"Tân Giang đoãn thủy", tức sông Cụt lặng lẽ chảy trong lòng thành phố. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ. "Tân Giang đoãn thủy
" - Sông Cụt, được đào từ thời nhà Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 7 (1922). Sông hợp lưu từ 2 nhánh, một từ cầu Sở Rượu, một từ Hào Thành chảy qua cầu Vồng, cầu Tre, sau đó đổ về sông Rào Cái, hòa vào biển cả. Sông không khởi nguồn từ những con suối, con khe, không gập ghềnh, quanh co qua làng, qua xóm, sông chỉ lặng lẽ chảy trong lòng phố, ấy thế mà lại là mạch nguồn dào dạt, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách cư dân đôi bờ.
"Văn Miếu trường thanh", tức Văn Miếu đã có tiếng từ lâu. "Văn Miếu trường thanh", tức Văn Miếu đã có tiếng từ lâu. Đây là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được xây dựng từ năm 1833 trên khuôn viên 5.000m2. Năm 2000, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu Hà Tĩnh với quy mô gần 1,7 ha. Công trình do UBND thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành cơ bản các hạng mục.
Thời gian gần đây, TP Hà Tĩnh đã khôi phục tổ chức lễ hội xuân Văn Miếu nhằm phát huy giá trị di sản, đưa giới trẻ đến gần hơn với sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Tỉnh thị danh thương - chợ TP Hà Tĩnh là nơi tập trung mua bán hàng hóa tấp nập từ lâu nay. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ. "Tỉnh thị danh thương" - chợ tỉnh là nơi tập trung hàng hóa, mua bán tấp nập của người dân khắp các vùng trong tỉnh. Hiện nay, chợ TP Hà Tĩnh được nâng cấp, chỉnh trang với đường phố, diện mạo thông thoáng, sạch sẽ, giúp cho tình hình kinh doanh, buôn bán tại chợ thuận lợi và sôi động hơn, đồng thời tạo được nếp sống văn hóa, văn minh cho chợ truyền thống.
"Tịnh lâm cổ tự" - chùa Cảm Sơn. "Tịnh lâm cổ tự" - chùa Cảm Sơn, được xây dựng từ thời Lê để Nhân dân thờ Phật. Sau hơn 300 năm được xây dựng, chùa Cảm Sơn ngày nay đã được trùng tu, tôn tạo thành một ngôi chùa lớn, trở thành địa chỉ tín ngưỡng, tâm linh của người dân Thành Sen và du khách khi đến với TP Hà Tĩnh…
Cùng với “Tỉnh thành bát cảnh” ngày xưa, TP Hà Tĩnh đã đang và sẽ triển khai các công trình dự án mang tính kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa cha ông để lại của mảnh đất, con người nơi đây. Đó chính là mạch nguồn để xây dựng TP Hà Tĩnh giàu bản sắc văn hóa, trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Phúc Sơn (thực hiện)