Đường ven biển 1.500 tỷ ở Hà Tĩnh hư hỏng: Trách nhiệm thuộc về ai?

25/03/2023 12:24
nếu nguyên nhân hư hỏng do khách quan thì chủ đầu tư cho tiến hành sửa chữa. Còn nếu là lỗi chủ quan của nhà thầu thì họ phải chịu trách nhiệm.
Link nguồn bài viết
https://www.baogiaothong.vn/duong-ven-bien-1500-ty-o-ha-tinh-hu-hong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-d585825.html
Truy cập link gốc
Báo Giao thông vừa đăng bài "Gần 2km đường ven biển 1.500 tỷ ở Hà Tĩnh bong tróc, nứt nẻ phải thảm lại" và "Đường ven biển rạn nứt: Chủ đầu tư từ chối cung cấp kết quả kiểm tra", phản ánh tuyến đường ven biển (tỉnh lộ 547) đoạn qua xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), Hà Tĩnh xuất hiện một số vị trí bị hư hỏng, rạn nứt mặt đường.

Theo thống kế, đã xuất hiện 15 điểm rạn nứt mặt đường sau khi thông tuyến 14 tháng.

"Không thể nói không biết, không chịu trách nhiệm"

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết: "Thông thường khi tổ chức đấu thầu triển khai dự án, chủ đầu tư sẽ ban hành thông báo hệ thống quản lý chất lượng dựa theo các quy định Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Thông báo này phân vai quy định rõ cho từng người, từng bộ phận từ chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát cho đến nhà thầu thi công.

Ở dự án đường ven biển Hà Tĩnh, như cách tổ chức mà Báo Giao thông miêu tả thì dự án do chủ đầu tư tự thực hiện".

Có 15 điểm hư hỏng, rạn nứt trên tuyến đường ven biển qua Hà Tĩnh đoạn xã Kỳ Ninh, buộc phải cào lên thảm lại

Khi PV đặt câu hỏi: “Điều kiện như thế nào để chủ đầu tư tự thực hiện dự án?”, vị này cho biết: Theo quy định tại Nghị định 06, chủ đầu tư được tự thực hiện dự án khi đảm bảo các quy định của pháp luật, bao gồm: Có đủ năng lực trong lĩnh vực tư vấn, có nhân lực đủ để thực hiện vai trò tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát trong quá trình nhà thầu thi công công trình.

Quá trình chủ đầu tư tham gia thực hiện với vai trò tư vấn thì còn phải sắp xếp đảm bảo thời gian, không làm ảnh hưởng đến công việc chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Bản thân, Khu QLĐB II vẫn có những dự án mà Khu vừa là chủ đầu tư, vừa tham gia với vai trò tư vấn.

Trong trường hợp công trình bị hư hỏng khi đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải tổ chức kiểm tra, đánh giá xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sửa chữa. Đa số công trình hư hỏng đều do lỗi nhà thầu, tuy nhiên những người tham gia trong hoạt động quản lý giám sát sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.

"Nhẹ nhất là phê bình, chứ không thể nói là để nhà thầu làm hỏng mà không biết, không chịu trách nhiệm. Nội dung này được quy định rõ trong Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Đối với các dự án lớn cấp Bộ, sẽ có tư vấn kiểm định độc lập, có hội đồng nghiệm thu nhà nước đối với công trình khi bàn giao.

Ngoài ra, một số công trình tầm cỡ quốc gia như: Đường cao tốc, cầu hầm, sân bay... còn có thêm các tổ chuyên gia, họ sẽ tham gia kiểm tra làm thí nghiệm đối chứng, kiểm tra độc lập", lãnh đạo Khu quản lý đường bộ II cho hay.

Đường ven biển qua Hà Tĩnh có số vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đoạn hư hỏng phải cào lên làm lại thuộc gói thầu số 36, đoạn Kỳ Phú - Kỳ Ninh, chiều dài hơn 4km, với tổng mức đầu tư là 70 tỷ đồng

Giấu kết luận để né trách nhiệm?

Ông Trần Văn Luận, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, cho biết: Khi công trình vừa đưa vào sử dụng, đang trong thời gian bảo hành mà hư hỏng thì chắc chắn là có vấn đề. Đường bị hỏng trong thời gian bảo hành có thể do chất lượng vật liệu đầu vào, chất lượng kết cấu tầng dưới, do chất lượng thi công, do sai quy trình...

Đây là vấn đề khoa học kỹ thuật nên để có kết luận chính xác thì phải trực tiếp tới hiện trường, làm các bước kiểm tra, đánh giá theo quy trình mới xác định được.

Theo ông Luận, nếu nguyên nhân hư hỏng do khách quan thì chủ đầu tư sẽ cho tiến hành sửa chữa. Còn nếu là lỗi chủ quan của nhà thầu thì theo Luật Xây dựng, nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bỏ kinh phí sửa chữa. Ngoài ra, còn phân biệt rõ giữa 2 yếu tố: Thời gian bảo hành và tuổi thọ công trình.

Hệ thống đường ven biển quốc gia là công trình đường cấp 3, thiết kế vĩnh cửu. Đường có cường độ mặt đường E >140, giới hạn tải trọng trục phương tiện là 10 tấn

“Thời gian bảo hành là thời gian nhà thầu, nhà sản xuất chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm. Còn tuổi thọ công trình là thời gian sử dụng công trình.

Ví dụ như đường thiết kế có tuổi thọ 15 - 20 năm, thế nhưng vừa khai thác 1 - 2 năm đã hỏng, trong khi các yếu tố khai thác đều trong ngưỡng thiết kế thì chắc chắn là đường này không đạt tiêu chuẩn, nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Dù luật không quy định chi tiết nhưng thông thường nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản thỏa thuận lúc ký hợp đồng với nhà thầu”, ông Luận lý giải.

Đối với nội dung Báo Giao thông phản ánh về việc chủ đầu tư từ chối cung cấp tài liệu dự án, kết luận kiểm tra, ông Luận cho rằng: Tài liệu dự án, kết luận kiểm tra là tài liệu Nhà nước. Tuy không công khai rộng rãi nhưng chủ đầu tư có trách nhiệm phải cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu, cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí.

Một chuyên gia ngành giao thông, có kinh nghiệm hơn 10 năm làm lãnh đạo quản lý dự án công trình giao thông, cho biết: Đối với công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Ban QLDA tỉnh làm chủ đầu tư thì khi xảy ra hư hỏng, trách nhiệm trước tiên là của đại diện chủ đầu tư - pháp nhân ký hợp đồng với nhà thầu.

Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm đi đánh giá lại hư hỏng rồi báo cáo cho chủ đầu tư dự án. Nếu nguyên nhân chủ quan do quá trình thi công không đảm bảo thì nhà thầu, tư vấn sẽ phải chịu trách nhiệm chính, cũng như phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban QLDA chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về dự án được ủy quyền làm đại diện chủ đầu tư. UBND tỉnh thấy rằng cần phải tiến hành thanh kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng hơn có thể chỉ đạo Sở GTVT hoặc mời đơn vị kiểm tra độc lập vào đánh giá (theo Khoản 2 điều 6 Nghị định 06).

Chi phí này do chủ đầu tư chi trả trước, trường hợp kết quả giám định chứng minh được lỗi thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu chi phí tương ứng với lỗi do mình gây ra và tổ chức xử lý khắc phục.

Dự án nâng cấp đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh (trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, có chiều dài 62km, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022 gồm 3 đoạn: Đan Trường - Thạch Bằng, dài 32,6km; Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân, dài 12,4km và Kỳ Xuân - Kỳ Ninh, dài 18km.

Trong đó, đoạn Đan Trường - Thạch Bằng và Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân đã hoàn thành từ trước năm 2021.

Tại gói thầu số 36, đoạn Kỳ Phú - Kỳ Ninh có chiều dài hơn 4km, với tổng mức đầu tư là 70 tỷ đồng do liên danh: Công ty Cổ phần 484 (trụ sở đóng tại thành phố Vinh, Nghệ An), Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Hùng Cường (trụ sở tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vĩnh Phúc và Công ty TNHH Khánh Môn (cùng đóng tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) thi công, đơn vị thảm bê tông nhựa là Công ty Cổ phần 484.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án, tuyến đường ven biển đoạn qua xã Kỳ Ninh được thi công thảm bê tông nhựa vào tháng 12/2021 và hoàn thành các hạng mục an toàn giao thông, gia cố kè biển vào tháng 6/2022. Tới nay, đoạn tuyến này vẫn đang trong thời gian bảo hành.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2023, tuyến đường ven biển qua xã Kỳ Ninh xuất hiện 15 vị trí rạn nứt mặt thảm bê tông nhựa dài gần 2km (đoạn từ Km 104+400 tới Km 105+200).

Nhóm PV Thường trú