Chiến công mừng xuân của 'hình cảnh' xứ Nghệ

28/02/2024 08:31
Rất có thể số liệu của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti Scam Alliance - GASA) công bố hồi tháng 10/2023 là không chính xác, khi cho rằng người Việt Nam đã bị chiếm đoạt hơn 16 tỉ USD (tương đương 3,6% GDP) trong năm ngoái thông qua các hình thức lừa đảo công nghệ cao. Tuy nhiên, có một thực tế là tội phạm lừa đảo trên mạng đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, gây thiệt hại đặc biệt lớn trong đời sống dân sinh và việc truy tìm kẻ phạm tội ẩn danh là vô cùng khó khăn.
Link nguồn bài viết
https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/chien-cong-mung-xuan-cua-hinh-canh-xu-nghe-i723759/
Truy cập link gốc
Hiểu điều này mới thấy hết tầm vóc chiến công mừng xuân của lính hình sự trên quê hương Bác, khi họ hốt trọn ổ nhóm lừa đảo từ nước ngoài về quê ăn Tết. Hành trình “khó hơn lên trời” ấy đã được người trong cuộc chia sẻ ít nhiều với phóng viên Chuyên đề ANTG (Báo CAND) trong câu chuyện đầu xuân.

Chuyện trong hang ổ

Gần đây, Trung tá Hà Huy Đức (Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS, Công an tỉnh Nghệ An) trở thành “người nổi tiếng” trên mạng xã hội, khi anh liên tục livestream trên trang cá nhân về chủ đề cách nhận diện và chủ động phòng ngừa các thủ đoạn phạm tội lừa đảo công nghệ cao. Nhiều người dùng mạng xã hội đã để lại những comment (bình luận) bày tỏ sự biết ơn về những thông tin bổ ích, sắc sảo đến từ một sĩ quan cảnh sát đang trực tiếp chiến đấu với loại tội phạm này.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ.

Trong chuyên án đón lõng, bắt giữ những kẻ làm thuê cho trùm tội phạm người Đài Loan (Trung Quốc) để lừa đảo đồng bào mình khi chúng từ nước ngoài trở về quê ăn Tết, Trung tá Đức là người đã góp công lớn.

Trải qua bao ngày tháng “lao tâm khổ tứ”, anh cùng đồng đội đã “bài binh, bố trận” một cách hoàn hảo để có mẻ lưới lớn với 32 đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước bị bắt giữ.

Tưởng chừng ở nước ngoài, thực hiện hành vi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng bằng thủ đoạn giả danh công an gọi điện rung dọa người dân trong nước, là có thể ẩn danh, giấu mình, nên những kẻ làm tay sai cho “quỷ dữ” đã hoàn toàn bất ngờ khi điểm đến của chuyến hành trình hồi hương không phải là quê nhà, mà là tại trại giam.

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7/2023, khi những thông tin đầu tiên về một số đối tượng người Việt đầu quân cho một tổ chức tội phạm được điều hành bởi người Đài Loan trên đất Campuchia, được đặt lên bàn Trung tá Đức. Trong cương vị đội trưởng, anh đã chỉ huy trinh sát tiến hành các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu nhất để xác minh nguồn tin.

Qua kiểm tra, xác định các đối tượng này đang làm thuê cho một băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động dưới vỏ bọc doanh nghiệp nước ngoài có đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ Campuchia. Công việc duy nhất của chúng là hằng ngày thực hiện những cuộc gọi điện mạo danh công an để thao túng tâm lý (rung dọa, uy hiếp, lừa gạt...) người dân ở nhiều địa phương trong cả nước, nhằm mục đích buộc họ phải chuyển cho chúng các khoản tiền lớn.

Tham gia nhóm tội phạm này đa phần là những nam nữ thanh niên đến độ tuổi lao động, theo tiếng gọi “việc nhẹ, lương cao” mà trót đặt chân lên xứ người, rồi bị khống chế như “tù giam lỏng” tại những khu nhà cao tầng với tầng tầng, lớp lớp tường rào và bảo vệ, rồi bị bắt buộc phải thực hiện các kịch bản lừa đảo tinh vi với nhiều lớp lang cho trước.

Ai không chấp hành mệnh lệnh, hoặc lừa không đủ khoán (KPI) thì sẽ bị những kẻ cầm đầu hạ lệnh bỏ đói, đánh đập, chích điện, thậm chí giết hại, hoặc phải gọi điện về nhà yêu cầu nộp tiền chuộc, thì mới được thả ra. Những người hoàn thành chỉ tiêu (lừa được khoảng chục tỷ/tháng) thì được nhận lương và được thưởng hoa hồng từ khoản tiền chiếm đoạt được.

Trong tình thế không có sự lựa chọn, nhiều người lao động từ chỗ miễn cưỡng làm theo yêu cầu của chủ, dần dần trở nên tích cực trong việc lừa đảo đồng bào mình, dưới tác động của lợi ích vật chất nhận được sau khi thực hiện thành công những cú lừa. Cảm xúc tội lỗi, ân hận ngày một thưa đi, đồng tiền bất chính có mãnh lực khiến nhiều tên đã trở thành mắt xích trong đường dây tuyển dụng lao động đưa sang nước bạn để ép tham gia hoạt động phạm tội.

Hành trình vào trận

Hoạt động lừa đảo công nghệ cao lâu nay đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội, với những hậu quả thiệt hại vô cùng nặng nề trong đời sống dân sinh. Điều đó đã thôi thúc những người lính hình sự xứ Nghệ vào cuộc với quyết tâm cao độ để bóc gỡ, triệt xóa nhóm tội phạm mà thông tin đã có trong tay. Phòng CSHS đã báo cáo đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho xác lập chuyên án để tổ chức đấu tranh. Đội nghiệp vụ của Trung tá Đức giữ vai trò thư ký chuyên án, trực tiếp lập kế hoạch và triển khai chiến thuật trinh sát liên hoàn. Quá trình đấu tranh chuyên án, họ nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của một số cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an một số tỉnh, thành phố liên quan.

Tang vật vụ án.

Trung tá Đức kể: “Khó khăn lớn nhất là chúng tôi phải nắm được nhân thân, lai lịch của đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo là ai, vì khi gây án chúng đều mạo danh, dùng nick ảo. Thêm nữa, để có thể bắt giữ, xử lý đối tượng theo pháp luật, phải biết đối tượng đó đã gây ra vụ nào, thời gian, số lượng tiền chiếm đoạt được, người bị hại ở đâu... trong khi câu trả lời không thể có được từ bên ngoài hang ổ tội phạm. Lưu ý rằng, toàn bộ ổ nhóm tội phạm đang ở nước ngoài, tại những địa điểm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đến cơ quan chức năng của bạn cũng khó tiếp cận. Tìm lời giải cho những bí mật trên, thực sự “khó hơn lên trời”. Rào cản về chủ quyền quốc gia, không cho phép ban chuyên án sang đó để xác minh. Thế nhưng, sau những nỗ lực tập thể rất cao, cùng với chiến thuật trinh sát liên hoàn sắc sảo, chúng tôi đã có trong tay những thứ cần thiết”.

Được biết, trong hang ổ tội phạm, thành viên đến từ nhiều địa phương ở Việt Nam không được sử dụng điện thoại, giao dịch hằng ngày dùng ký danh (nickname), nên ngay những người làm việc tại chỗ cũng không biết rõ về nhau.

Do đó, những biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu nhất ít dùng trong hệ lực lượng CSHS đã được áp dụng trong trận này, để có thể tìm ra những “thông số” cơ bản về con người và các vụ lừa do từng người thực hiện.

Bản thân chúng tôi khi còn làm việc ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang (trụ sở Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) cùng chỉ duy nhất 1 lần sử dụng biện pháp này để bắt giữ các nhóm tội phạm nước ngoài vào Việt Nam gây án bằng thẻ tín dụng giả, kết quả cho thấy đó là bước đi rất táo bạo và sáng tạo của lực lượng CSHS Việt Nam.

Khi đã nắm được những thông tin từ bên trong sào huyệt, Trung tá Đức cùng anh em trinh sát lại miệt mài tính kế để dựng lai lịch của các đối tượng liên quan.

Bên cạnh đó, nếu không biết chúng đã gây án với ai, chiếm đoạt bao nhiêu tiền, khi nào... thì kể cả có bắt giữ được cũng không thể khép tội. Các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự đòi hỏi họ phải xác định chính xác 4 yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt là phải rõ về hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, cùng đối tượng tác động của tội phạm... Thế nên, họ buộc phải biết ngày giờ cùng số máy của chủ thuê bao điện thoại bị lừa để truy tìm nạn nhân.

Có được những thông tin trên đã khó, việc tìm bị hại từ những dãy số điện thoại vô hồn cũng khá nan giải, vì nạn nhân của tội phạm công nghệ cao có thể là bất kỳ ai, ở bất cứ đâu trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và nhiều người đã bỏ không dùng số máy cũ.

Được sự động viên, chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng CSHS, anh em tham gia chuyên án đã miệt mài ngày đêm để từng bước có được câu trả lời cho từng nội dung.

Cất vó

Nhận định rất có thể các đối tượng sẽ nhập cảnh về quê ăn Tết Giáp Thìn 2024, ban chuyên án đã cử các tổ công tác đến nhiều tỉnh có đường biên tiếp giáp Campuchia, làm việc với lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu để trao đổi thông tin, đề nghị áp dụng công nghệ hiện đại nhận diện khi đối tượng nghi vấn nhập cảnh. Từ đây, những “tấm lưới” đã được giăng sẵn chờ đối tượng xuất hiện ở biên giới.

Bên cạnh đó, công an các địa phương liên quan cũng được thông báo trước để chuẩn bị sẵn sàng “tiếp đón” khi đối tượng xuất hiện. Đó là bước đi chủ động dựa trên cơ sở phán đoán về tâm lý con người.

Gần Tết, thông tin từ ngoại biên cho thấy nhận định của họ là có cơ sở, ban chuyên án và các đơn vị phối hợp đã sẵn sàng cho cuộc đón lõng những kẻ trở về. Từ 4 giờ 30 phút đến 8 giờ ngày 6/2/2024, lực lượng CSHS Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục CSHS, Bộ Công an, công an các huyện Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Tổ 373 (Công an Nghệ An)... và Công an TP Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) đã đồng loạt phá án, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật có liên quan.

Kết quả điều tra xác định Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú tại phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh, làm việc tại Campuchia) là một trong số những đối tượng cầm đầu, quản lý, điều hành ổ nhóm. Vinh đã cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan, đưa người sang Campuchia hoạt động phạm tội. Ngoài Vinh, trong số 31 đối tượng còn lại bị bắt giữ có 3 đối tượng trú tại TP Hồ Chí Minh, 2 đối tượng trú tại các tỉnh Bình Thuận và Thanh Hóa, 26 đối tượng trú tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Nghệ An. Các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo người dân Việt Nam, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.

“Tại hang ổ tội phạm, các đối tượng được tổ chức thành 3 tuyến gồm D1, D2, D3. Trong đó, nhóm D1 đóng vai cán bộ làm việc tại bưu điện gọi điện cho những người dân theo danh sách do bọn chủ cung cấp (có thể do chúng mua được thông tin cá nhân từ hacker trên các diễn đàn ngầm), để thông báo rằng họ sẽ bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng, vì số sim điện thoại được phát hiện đăng ký tài khoản mạng xã hội chuyên nói xấu Đảng, Nhà nước, hoặc số máy có liên quan đến tài khoản của bọn tội phạm ma túy, rửa tiền... Nếu người dân tỏ ra sợ hãi, D1 sẽ chuyển cuộc gọi với nạn nhân cho D2 (gồm những tên xưng danh là cán bộ công an) để tiếp tục rung dọa, uy hiếp tinh thần (như dọa sẽ ra lệnh bắt tạm giam, phong tỏa tài khoản của bị hại...) hoặc thông báo với họ rằng giấy tờ tùy thân của họ đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... và yêu cầu phối hợp điều tra.

Khi bị thao túng tâm lý, nhiều người lâm vào tình trạng bấn loạn, không đủ khả năng suy xét. Lúc này chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu hoặc số tài sản hiện có (như sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại. Nếu nạn nhân cung cấp các thông tin này, D2 sẽ chuyển máy cho D3 (là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây), D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại. Tiếp theo, D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt”, Trung tá Đức cho biết.

Đào Trung Hiếu