Cảnh hoang tàn trên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

25/03/2023 06:55
Sau 13 năm kể từ khi dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) dừng hoạt động, khung cảnh nơi đây trở nên xơ xác, cơ sở vật chất của hàng nghìn hộ dân xuống cấp nghiêm trọng.
Link nguồn bài viết
https://vtc.vn/canh-hoang-tan-tren-mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a-ar760536.html
Truy cập link gốc
Dự án đầu tư Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Dự án mỏ sắt Thạch Khê) nằm trên địa bàn 5 xã ven biển gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), với tổng diện tích 4.821 ha. Mỏ có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án này do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.

Từ năm 2008 đến năm 2011, Chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3,0 nghìn tấn quặng.Nhưng dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011.

Theo ghi nhận của PV VTC News, hàng trăm héc ta đất phía trên khu vực moong mỏ xuất hiện tình trạng hoang hóa, đất đai cằn cỗi, nhiều công trình bị bỏ hoang vô cùng nhếch nhác. Nhiều bãi rác sinh hoạt lớn mọc lên trên khu vực khai thác mỏ sắt.

Ông Phan Hồng Quảng, 77 tuổi, thôn Tân Phúc, xã Thạch Khê cho biết, hàng chục năm nay, ngôi nhà cấp 4 của ông nằm trong vùng quy hoạch khai thác của mỏ sắt Thạch Khê nên gia đình không dám xây mới vì sợ phải giải tỏa nên phải sống trong cảnh chật chội, tạm bợ.

“Dân ở đây rất khổ, dù đã có đất tái định cư nhưng số tiền đền bù rất thấp, so với bây giờ thì chả làm được gì”, ông Nguyễn Xuân Tuyên, thôn 2, xã Đỉnh Bàn chia sẻ và cho biết thêm, nhiều lần muốn rời khỏi đây để xây nhà mới nhưng chi phí quá lớn, đất đai khó canh tác nên những người như ông không đủ tiền.

Nguồn nước sinh hoạt của người dân nhiễm phèn nghiêm trọng. Để có nguồn nước sạch, người dân phải lọc qua nhiều lần bằng bể lọc, sau đó khử khuẩn qua máy lúc này nước mới có thể sử dụng.

Cơ sở vật chất phục vụ đời sống của người dân không phát triển từ khi mỏ sắt dừng khai thác.

Máy móc bị bỏ lại công trường khai thác.

Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang trên đất mỏ.

Người dân khó canh tác hoa màu vì không có hệ thống tiêu nước dẫn đến ngập úng.

Bờ bao moong mỏ thường xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục héc ta lúa của người dân.

Video: Người dân mong muốn chấm dứt việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Trả lời VTC News, ông Lưu Xuân Đồng - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê cho biết, sau khi triển khai thực hiện từ năm 2007 đến nay, hệ lụy của dự án mỏ sắt Thạch Khê đối với nhân dân các xã bãi ngang nói chung, xã Thạch Khê nói riêng là rất lớn.

TRỌNG TÙNG - TRẦN LỘC