Các địa phương chủ động kinh phí cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình

12/03/2024 09:13
Được phân khai gần 1,4 tỷ đồng từ nguồn của các huyện, thành phố, thị xã theo tinh thần Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ngành Dân số Hà Tĩnh đã có điều kiện để chủ động thực hiện các chương trình, kế hoạch trong năm.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/cac-dia-phuong-chu-dong-kinh-phi-cho-cong-tac-dan-so-ke-hoach-hoa-gia-dinh-post262928.html
Truy cập link gốc
Từ năm 2021, Chương trình mục tiêu y tế - dân số kết thúc, công tác dân số từ hoạt động có mục tiêu chuyển sang hoạt động thường xuyên nên kinh phí của cấp nào do chính quyền cấp đó bố trí từ nguồn dự toán chi thường xuyên.

Để giải quyết vấn đề này, tại Kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (ngày 10/7/2020), Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND đã được ban hành, quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030.

Dự kiến trong tháng 3, Can Lộc sẽ triển khai các cuộc giao lưu đối thoại, cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên các trường học.

Trên tinh thần của Nghị quyết 221, thời gian qua, trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch để vận hành liên tục, hiệu quả các hoạt động về công tác dân số.

Tại Can Lộc, ngay từ tháng 11/2023, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch, làm dự trù kinh phí để tham mưu nguồn lực. Với sự chủ động của ngành, sự quan tâm của huyện nên ngay từ đầu năm 2024, kinh phí dành cho công tác dân số đã được cấp 156 triệu đồng và sẽ cấp bổ sung trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong năm.

Chị Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Can Lộc cho biết: “Nguồn kinh phí được cấp sớm là cơ sở để bắt đầu từ tháng 3 này, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch giao lưu đối thoại, cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản cho gần 10.000 thanh niên, vị thành niên ở các trường học. Cùng với đó, đơn vị cũng căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn để chủ động triển khai chiến dịch đợt 1 về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân trong độ tuổi sinh đẻ tại 18/18 xã, thị trấn”.

Nguồn kinh phí năm 2024 sẽ được huyện Hương Sơn tập trung lồng ghép thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Ảnh: Cán bộ, CTV dân số ở Hương Sơn bổ sung kiến thức trong công tác tuyên truyền.

Cũng nhờ sự chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch nên từ cuối tháng 12/2023, UBND huyện Hương Sơn đã có quyết định cấp kinh phí hoạt động cho công tác dân số với số tiền 218 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, Hương Sơn cũng là đơn vị được bố trí nguồn lực cho hoạt động dân số cao nhất tỉnh.

Anh Trần Cẩm Thạch - Phó Trưởng phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế Hương Sơn thông tin: "Với nguồn lực từ Nghị quyết 221, đơn vị sẽ sử dụng vào lồng ghép thực hiện có hiệu quả các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn. Trung tâm sẽ tập trung thực hiện các chính sách cho đội ngũ cán bộ, CTV dân số trong việc thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và khen thưởng các thôn có thành tích từ 2 năm trở lên không sinh con thứ 3. Cách làm này cũng đã tạo được động lực, tiếp thêm nhiệt huyết cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong hành trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ”.

Theo số liệu thống kê ban đầu của ngành dân số, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 12/13 huyện, thành phố, thị xã (trừ huyện Kỳ Anh) đã phân khai nguồn kinh phí cho các hoạt động dân số theo tinh thần NQ 221 của HĐND tỉnh với tổng gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, Hương Sơn 218 triệu đồng, thị xã Hồng Lĩnh gần 174 triệu đồng, Can Lộc 156 triệu đồng, Thạch Hà 146 triệu đồng, thành phố Hà Tĩnh 119 triệu đồng, Đức Thọ 110 triệu đồng...

Nguồn kinh phí là chính sách để động viên, khuyến khích đội ngũ CTV dân số trong công tác tuyên truyền, vận động. (Ảnh: Cán bộ, CTV dân số xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn tăng cường bám nắm cơ sở).

Mặc dù nhiều địa phương đã có dự tính cấp bù kinh phí hoạt động dân số trong năm nhưng theo quy định của NQ 221 (bố trí tối thiểu 0,15% tổng chi ngân sách thường xuyên của địa phương cho hoạt động y tế - dân số) thì số tiền phân khai vẫn còn chưa đủ.

Tuy nhiên, sự nghiêm túc, chủ động thực hiện tinh thần nghị quyết của các huyện, thành phố, thị xã là yếu tố hết sức quan trọng, là cơ sở để các địa phương mạnh dạn triển khai các chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ và các chương trình hoạt động nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.



Anh Thư - Phong Linh