Tìm giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

20/09/2022 07:46
Sau một thời gian tạm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian gần đây, với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào nước ta, Nghệ An cũng đã và đang hưởng lợi từ chuyển động này. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng được sự chuyển động này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương.
Link nguồn bài viết
https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/tim-giai-phap-thuc-day-cong-nghiep-ho-tro-i301114/
Truy cập link gốc
Triển khai hỗ trợ nhiều dự án

Hiện, Nghệ An cókhoảng 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các ngành có công nghiệp hỗ trợ. Đáng chú ý, dù đang ở mức thấp nhưng phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng phần nào năng lực về tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để cung ứng sản phẩm, hợp tác liên kết và quảng bá. Cụ thể, 51% số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ở mức trung bình, 41% doanh nghiệp có năng lực tài chính thấp và 8% đủ năng lực để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị, chủ yếu là các doanh nghiệp vốn FDI.

Tìm giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Chẳng hạn, công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử bước đầu đã thu hút các dự án FDI quy mô lớn từ 100 triệu USD, đóng góp quan trọng đối với phát triển KT - XH của tỉnh. Nổi bật là các dự án Em-Tech Vinh, Hitech BSE, Goertek, Luxshare-ICT và gần đây nhất là dự án Everwin Precision và Juteng. Mặc dù mới triển khai nhưng các dự án công nghiệp hỗ trợ đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hay, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành dệt may, da giày, ngoài nhà máy sợi của Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan với sản lượng bình quân 18.000 - 20.000 tấn sợi năm, trên địa bàn có 1 cơ sở thêu tại Cụm Công nghiệp Lạc Sơn (Đô Lương) quy mô từ 150 - 200 lao động thêu phụ kiện cho các nhà máy may của Havina Kim Liên, Công ty TNHH Kido và 18 cơ sở dệt thủ công khác. Lĩnh vực da giày có 2 dự án là Công ty Đỉnh Vàng chuyên gia công mũi giày cho các tỉnh phía Bắc, công suất 2,5 triệu sản phẩm/năm và Công ty Viet Glory tại Diễn Châu công suất gần 20 triệu sản phẩm/năm.

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, ngoài Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, hàng năm tỉnh dành nguồn kinh phí từ 2 - 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng dự án, kế hoạch đề xuất Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) hỗ trợ nguồn kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương. Theo thống kê của Sở Công thương, sau 4 năm thực hiện Chương trình, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các đề án đã triển khai hơn 4,34 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2021, hỗ trợ cho 17 đề án với tổng kinh phí 1,841 tỷ đồng. Năm 2022, ngân sách bố trí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Khấp khởi chờ Đề án

Tuy vậy, từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn cho thấy, công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, vừa yếu và thiếu. Đơn cử, vì công nghiệp phụ trợ không phát triển nên Công ty CP Trung Đô phải tự mình làm nhiều thứ. Dây chuyền thiết bị sản xuất gạch ngói nhập ngoại về nhưng vẫn có một số thiết bị phụ trợ sản xuất trong nước. Thế nhưng, do không có doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ nên khi dây chuyền thiết bị hỏng hóc thì phải ra tận Nam Định là trung tâm phụ tùng cơ khí để đặt mua; thùng carton để đóng hoặc dây đai buộc, công ty phải đặt từ Hà Nội.

Đại diện Công ty Cổ phần sửa chữa cơ khí 250 Phủ Quỳ cho biết, hiện công ty đã tự chế tạo, lắp đặt được một số thiết bị, cấu kiện nhà xưởng lớn nhưng một vài thiết bị hoặc phụ tùng phụ trợ công ty chưa có mà doanh nghiệp trong khu vực không làm nên phải đặt mua từ Hải Phòng, Hà Nội.

Có một thực tế là số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa hiện đóng trên địa bàn Nghệ An còn quá ít, đa số quy mô còn nhỏ lẻ và chưa phát triển; chưa định hình rõ nét các lĩnh vực, các doanh nghiệp nội địa mới sản xuất được các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn phát triển công thương Nghệ An, TS. Nguyễn Xuân Thanh nêu thực tế, mặc dù được tỉnh quan tâm ưu tiên nhưng do ngân sách còn hạn hẹp nên đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ còn quá khiêm tốn. Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ bền vững, cần dành nguồn đầu tư tương xứng và tỷ lệ thuận với đầu tư cho công nghiệp chính.

Hiện, Sở Công thương đang xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh. Mục tiêu là đưa giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tăng bình quân 9 - 10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 12 - 15% và đến năm 2030 chiếm 30% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Để thực hiện Đề án trên, tỉnh dự kiến huy động trên 103 tỷ đồng để hỗ trợ, triển khai các hạng mục kết nối, xúc tiến thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây sẽ là tin vui cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải