Link nguồn bài viết https://baotintuc.vn/tuyen-sinh/som-chot-phuong-an-mon-thi-thu-3vao-lop-10-de-hoc-sinh-co-thoi-gian-on-tap-20241211113710306.htm
Truy cập link gốc
Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Đô Lương (Nghệ An) tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào lớp 10.Ngoài Ngữ văn và Toán, tiếng Anh là môn thứ 3 được tỉnh Nghệ An lựa chọn nhiều năm nay để tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, với phương án dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn thi thứ 3 phải có sự thay đổi luân phiên qua các năm. Do đó, từ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025, Tiếng Anh có thể không được lựa chọn đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Các học sinh và nhà trường ở Nghệ An đều mong muốn cơ quan quản lý sớm chốt phương án thi để có định hướng học tập, ôn luyện.
Băn khoăn về môn thi thứ 3Do tiếng Anh không phải là lợi thế của nhiều nhà trường nên việc thay thế bằng một môn khác cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều giữa các vùng miền, đặc biệt là những trường ở vùng khó khăn.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Quế Phong (huyện Quế Phong), do đặc thù riêng nên 100% học sinh sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn rất quan trọng bởi khoảng 70% học sinh của trường đều đăng ký dự thi để xét tuyển vào hai trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Các năm trước, điểm thi của học sinh nhà trường đều nằm trong tốp đầu của tỉnh, đặc biệt là môn Toán và Ngữ văn. Vì vậy, để nâng chất lượng môn tiếng Anh, nhà trường gặp nhiều khó khăn.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, so với nhiều vùng miền khác, học sinh miền núi ở Quế Phong học tiếng Anh vẫn còn nhiều thiệt thòi, nhiều em vẫn chưa được học tiếng Anh ở bậc tiểu học; trường phải “gom” các em lại thành một lớp để bồi dưỡng thêm. Do đó, để đảm bảo công bằng nên chọn phương án môn thứ 3 là một môn bất kỳ phù hợp, không nên chỉ thi tiếng Anh để giúp các em có thể phát triển toàn diện.
Cô Lô Thị Hiền, giáo viên Địa lý của nhà trường cũng chia sẻ, 98% học sinh ở đây là người miền núi, dân tộc thiểu số nên tiếng Anh là điểm yếu. Vì vậy, phương án môn thứ 3 là môn bất kỳ cũng là “lợi thế”, đặc biệt với phân môn Lịch sử - Địa lý. Hiện nay, ngoài trang bị kiến thức cho học sinh trên lớp, giáo viên còn cung cấp tài liệu cho các em ôn luyện đề, ôn thi trắc nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với phân môn Lịch sử - Địa lý, kiến thức tương đối nhiều đòi hỏi các em phải học chăm chỉ. Vì vậy, nếu đây là môn thi thứ 3, giáo viên mong muốn, đề thi tập trung vào kiến thức chủ đề chung giữa hai môn và có phương án công bố môn thi sớm, tốt nhất là ngay khi kết thúc học kỳ I để giáo viên, học sinh ôn tập đúng hướng, đạt kết quả cao.
Cùng chung ý kiến, cô giáo Trịnh Thị Hồng, giáo viên Khoa học tự nhiên Trường Trung học Cơ sở Quang Trung, thành phố Vinh) cho rằng, môn thứ 3 có thể là một môn bất kỳ, không nhất thiết là tiếng Anh. Nếu thi 3 môn Toán - Văn - tiếng Anh như trước đây, học sinh có tâm lý chỉ học 3 môn này. Điều đó dẫn tới khi học trung học phổ thông, các em cũng lựa chọn các môn tương tự và không lựa chọn các khối ngành tự nhiên. Việc này dẫn đến mất cân bằng về nghề nghiệp, các trường kỹ thuật sẽ khó tuyển sinh. Ngược lại, nếu thi các môn học khác lại tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh, nhất là với môn tích hợp.
“Vì thế, dù tiến hành bốc thăm hay lựa chọn bất kỳ môn học nào, ngành Giáo dục cần công bố trong khoảng thời gian sớm hơn, thay vì ngày 31/3 mới công bố để học sinh có thời gian đầu tư, khoanh vùng ôn tập. Bên cạnh đó, mức độ đề thi cần cân đối giữa các cấp độ thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Như ở trường chúng tôi, các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ vẫn thi các môn tích hợp và học sinh vẫn làm được bài, nhiều em có điểm cao”, cô Hồng cho biết.
Sớm “chốt” phương án thi môn thứ 3Qua gần 2 tháng lấy ý kiến phương án thi tuyển vào lớp 10, Dự thảo quy chế tuyển sinh trung học cơ sở - trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cô Nguyễn Thùy Lê, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trung Đô (thành phố Vinh) cho biết, trung bình mỗi năm, trường có khoảng 85% học sinh đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Hiện chưa có hướng dẫn về môn thi thứ 3 nên trường đang chỉ đạo tất cả giáo viên dạy các môn học lớp 9 đều phải chuẩn bị tinh thần giúp học sinh có kiến thức tối đa ở các môn học. Dù thi môn nào, Bộ cũng cần sớm công bố để các nhà trường chủ động trong việc dạy và ôn tập cho học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, hiện Sở chưa chốt môn thi thứ 3 và đang chờ Quy chế hướng dẫn tuyển sinh trung học cơ sở - trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm căn cứ xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2025 - 2026.
Theo ông Thái Văn Thành, phương án tốt nhất là ngoài 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn, môn thi thứ 3 do học sinh lựa chọn để phù hợp năng lực của các em. Điều đó giúp học sinh thuận lợi khi lên trung học phổ thông và chủ động trong việc lựa chọn tổ hợp học tập phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để làm được như vậy đòi hỏi công tác tổ chức thi, ra đề thi vất vả hơn. Các nhà trường cũng gặp khó khăn khi tuyển chọn đầu vào.
Ông Thành nêu ý kiến, quy định tổ chức môn thi thứ 3 phải thay đổi qua các năm là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác tổ chức của các địa phương. Thực tế để thay đổi môn thi qua các năm, các Sở sẽ phải có phương thức để chọn năm nay thi môn này, năm sau thi môn khác theo hình thức bốc thăm. Hình thức này dẫn tới tình huống học sinh sẽ bỏ qua môn học mà kỳ thi trước đã thi.
Việc tổ chức bài thi tổ hợp không phải là vấn đề khó trong Chương trình giáo dục phổ thông mới bởi học sinh trung học cơ sở đã được học môn tích hợp kiến thức Khoa học tự nhiên (gồm 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Lịch sử - Địa lý). Trong quá trình học, các em đã quen với cách kiểm tra, đánh giá tích hợp kiến thức các môn. Năm học này, Nghệ An đã xây dựng đề thi để tổ chức kỳ thi học sinh giỏi có bộ môn tích hợp.
Trước đó, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Nghệ An là một trong những địa phương thực hiện việc tuyển thẳng đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho rằng, nên có cơ chế cộng điểm ưu tiên, khuyến khích học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025 để thúc đẩy việc học ngoại ngữ ở các địa phương. Ngoài ra, để thực hiện chủ trương lớn dần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành chính sách hiệu quả, bền vững thúc đẩy, đưa Tiếng Anh trở thành môn thi thứ 3 để phù hợp với thực tế từng địa phương.
Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)