Link nguồn bài viết https://baoxaydung.com.vn/thi-xa-ky-anh-ha-tinh-dat-tieu-chi-do-thi-loai-iii-390680.html
Truy cập link gốc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì Hội nghị.Đô thị động lực phía Nam của tỉnh Hà TĩnhĐại diện UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Thị xã Kỳ Anh đóng vai trò là đô thị động lực phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh với tiềm năng phát triển là Khu kinh tế Vũng Áng. Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 5 Khu kinh tế trọng điểm ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư, cùng với cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là những yếu tố tạo thị căn bản để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của thị xã Kỳ Anh. Đây cũng là cơ sở để thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực công nhiệp, nhà ở, dịch vụ, du lịch... kéo theo sự thu hút dân cư, lao động vào địa bàn.
Theo Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 đã xác định thị xã Kỳ Anh là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, trọng tâm là Khu kinh tế Vũng Áng với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với các ngành kinh tế gồm du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp; là đô thị có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định lộ trình nâng cấp thị xã Kỳ Anh lên thành phố thuộc tỉnh vào năm 2025 và đạt các tiêu chí đô thị loại II; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX xác định thị xã Kỳ Anh là một trong ba đô thị làm trọng điểm phát triển kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Kỳ Anh lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu “Xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025”.
Việc xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố vào năm 2025 đã được định hướng cụ thể tại các quy hoạch và chủ trương của Trung ương và của tỉnh Hà Tĩnh, là cơ sở để thị xã Kỳ Anh phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và toàn diện sớm trở thành thành phố phía Nam của tỉnh.
Hiện nay, thị xã Kỳ Anh có 11 đơn vị hành chính cấp xã với 6 phường và 5 xã, do đó cần thành lập thêm 2 phường để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Do đó, việc lập Báo cáo rà soát tiêu chí đô thị loại III thị xã Kỳ Anh (dự kiến mở rộng khu vực nội thị) và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị 2 xã dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt là cần thiết.
Phạm vi nghiên cứu lập báo cáo trên cơ sở toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Kỳ Anh gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã (6 phường nội thị, 5 xã ngoại thị). Trong đó, khu vực nội thị dự kiến mở rộng với các phường hiện hữu gồm 6 phường là Hưng Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương; xã dự kiến thành lập phường gồm 2 xã là Kỳ Ninh và Kỳ Nam. Khu vực ngoại thị dự kiến là 3 xã là Kỳ Hà, Kỳ Lợi và Kỳ Hoa.
Căn cứ 5 tiêu chí về phân loại đô thị được quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thị xã Kỳ Anh đã cơ bản đạt được các tiêu chí của đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Tổng điểm địa phương tự đánh giá 5 tiêu chí là 84,63/100 điểm.
63 tiêu chuẩn đánh giá được chia làm 3 nhóm chính. Nhóm 1 là các tiêu chuẩn đã đạt bằng và vượt mức tối đa của tiêu chuẩn quy định với tổng số 40 tiêu chuẩn. Nhóm 2 là tiêu chuẩn đạt tối thiểu và trên mức điểm tối thiểu nhưng chưa đạt điểm tối đa với tổng số 16 tiêu chuẩn.
Nhóm 3 là tiêu chuẩn chưa đạt mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy định với 7 tiêu chuẩn gồm: Mật độ dân số trung bình toàn đô thị; đất cây xanh toàn đô thị bình quân đầu người; đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị bình quân đầu người; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; thu nhập bình quân đầu người so với cả nước công trình xanh; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Về Báo cáo dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Kỳ Anh, phạm vi đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập phường là nguyên trạng xã Kỳ Ninh với diện tích là 21,78km2 và xã Kỳ Nam với diện tích là 17,92km2.
Đối chiếu với Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, 2 xã dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Kỳ Anh đã đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã đô thị loại III. Theo đó, xã Kỳ Ninh và xã Kỳ Nam cùng đạt 13/13 tiêu chuẩn. Các khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà tiếp thu ý kiến tại Hội nghị.Phải chú trọng giải pháp nâng cấp hạ tầng đô thịTại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến giúp địa phương hoàn thiện Báo cáo. Theo đó, địa phương cần khắc phục các tiêu chí còn yếu và thiếu; quan tâm đến hình thái, bản sắc về công nghiệp và của địa phương; tăng cường kiểm soát trật tự đô thị; nghiên cứu không gian kiến trúc bản địa; có giải pháp về dân số với các xã Kỳ Hà, Kỳ Lợi; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính; làm rõ dân số quy đổi của xã Kỳ Nam; rà soát lại số liệu giữa các Báo cáo; có giải pháp thu hút dân số để phát triển cho thị xã; rà soát chỉ tiêu về chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư diện tích cây xanh; cập nhật về các dự án, có sự đánh giá các dự án trên địa bàn thị xã…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cho biết: UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng với UBND thị xã Kỳ Anh sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; tập trung khắc phục những tiêu chí còn chưa đạt, nhất là về đất cây xanh, mật độ dân số.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ đánh giá của địa phương. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực đầu tư, hoàn thiện quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu phân loại đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính theo quy hoạch.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát, hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tính chính xác. Tỉnh cần cụ thể hóa giải pháp nâng cấp hạ tầng đô thị, khắc phục các tiêu chí chưa đạt, đặc biệt là các phường mới thành lập.
Tỉnh cũng cần lưu ý đảm bảo phát triển đô thị nhanh theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Kết luận số 48-KL/TWcủa Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh; quản lý đầu tư đô thị phải tuân thủ các quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính pháp lý, độ chính xác của Đề án quy hoạch phân khu đô thị Kỳ Nam và Kỳ Ninh; lưu ý thời gian từ lúc thành lập phường Kỳ Ninh, Kỳ Nam đến khi thành lập thành phố Kỳ Anh; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, cán bộ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập phường và nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị.
Toàn cảnh Hội nghị.Hội đồng thẩm định thống nhất thị xã Kỳ Anh (dự kiến mở rộng khu vực nội thị) đạt tiêu chí đô thị loại III với 83,99/100 điểm, không có tiêu chí trong 5 tiêu chí dưới mức điểm tối thiểu. 2 xã dự kiến thành lập phường là xã Kỳ Ninh và xã Kỳ Nam đạt tiêu chuẩn hạ tầng đô thị thuộc thị xã Kỳ Anh.
Yến Mai