Nghệ An: Thực hiện chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh

17/03/2023 11:29
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 03/3 về việc thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới thông minh, hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Link nguồn bài viết
https://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-thuc-hien-chuyen-doi-so-huong-toi-nong-thon-moi-thong-minh-76141.html
Truy cập link gốc
Theo đó, kế hoạch này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh theo Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Các địa phương cấp huyện, xã cần xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, trách nhiệm thực hiện và đôn đốc, giám sát triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch.

Các sản phẩm của người dân sẽ sử dụng ứng dụng hiệu quả mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Khuyên Lưu

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị phù hợp với chuyển đổi số của tỉnh, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Trong kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Trên 70% xã có HTX tham gia mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của xã, 100% số huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và trong đó có 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Có ít nhất 50% số xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh, trật tự, môi trường, văn hóa,…) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ thông minh tại huyện Nam Đàn.

Bên cạnh đó, phấn đấu có ít nhất 08 mô hình cấp huyện về chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông; 10 mô hình xã nông thôn mới thông minh theo hướng nổi trội như: Y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh, trật tự, môi trường, văn hóa,… và có ít nhất 20 thôn thông minh.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc tăng cường ứng dụng trực tuyến, trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn và tạo lập cơ sở dữ liệu, thực hiện quản lý thông tin HTX nông nghiệp, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực.

Mặt khác cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã).

Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Tiếp tục, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng Internet đến cấp xã, thôn; nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An rà soát, lựa chọn xây dựng thí điểm 6-8 địa phương cấp huyện về chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn; 10-20 địa phương cấp xã nông thôn mới thông minh nổi trội theo một trong những lĩnh vực như: Kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa… để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.

Đối với mô hình thôn thông minh cần thực hiện các nội dung sau: Thôn có Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn; Thôn thực hiện giao tiếp thông minh; đảm bảo các tiêu chí về thương mại điện tử, các dịch vụ xã hội trên địa bàn thôn và quảng bá thương hiệu. Cụ thể, về thương mại điện tử: Các hộ sản xuất, kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thôn có đăng ký tham gia một trong các sàn thương mại điện tử: 37nghean.com, PostMart.vn, VoSo.vn và ứng dụng hiệu quả mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Về các dịch vụ xã hội trên địa bàn thôn: Nhà văn hóa thôn được trang bị thiết bị phát Wifi kết nối Internet; 100% hộ gia đình trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số. Tối thiểu 80% hộ gia đình có kết nối Internet cáp quang và 90% hộ gia đình có điện thoại thông minh. 70% người dân được hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng và nền tảng tư vấn, hỗ trợ chăm sóc tư vấn sức khỏe trên thiết bị thông minh...

Về quảng bá thương hiệu: Phối hợp với các kênh truyền thông, truyền hình để đưa tin, bài viết, phóng sự về mô hình thôn thông minh; quảng bá các thương hiệu của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của thôn trên các kênh truyền thông trực tuyến. Qua đó, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Tuấn Quỳnh