Nghệ An: sớm tháo gỡ vướng mắc nguồn ngân sách khắc phục hậu quả bão lũ

15/11/2024 08:25
Nghệ An đã được đã chi 200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ năm 2023, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được nguồn tiền do có các vướng mắc.
Link nguồn bài viết
https://kinhtedothi.vn/nghe-an-som-thao-go-vuong-mac-nguon-ngan-sach-khac-phuc-hau-qua-bao-lu.html
Truy cập link gốc
Theo đó, cuối tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho Nghệ An khắc phục hậu quả thiên tai gây ra với mức 200 tỷ đồng.

Sau khi có chủ trương của Chính phủ, ngày 7/6/2024 Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An (HĐND tỉnh Nghệ An) thông qua Nghị quyết số 29 (NQ 29) về nội dung phân bổ dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai các công trình, cầu cống, đường, kênh tiêu...bị sạt lở, hư hỏng.

Lũ lụt năm 2023 khiến Nghệ An bị thiệt hại khá nặng nề.

Theo Nghị quyết 29, Phụ lục phân bổ dự toán ngân sách được điều chỉnh, trong đó có 82,4 tỷ được hỗ trợ cho các huyện, thị, như: huyện Anh Sơn được phân bổ cho 3 dự án với số tiền 4,7 tỷ đồng; huyện Quỳ Châu 2 dự án với số tiền 5,8 tỷ đồng; huyện Thanh Chương với số vốn 5,4 tỷ đồng cho 2 dự án; huyện Nam Đàn được bố trí 6,35 tỷ đồng cho 5 dự án…

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nghệ An được bố trí 100 tỷ đồng cho 17 dự án. Số tiền còn lại phân bổ cho các công ty thủy lợi…

Mặc dù nguồn ngân sách hỗ trợ khắc phục một phần hậu quả do bão lũ gây ra đã được phân bổ cụ thể, nhưng đến nay số tiền này được xem là bị chậm giải ngân do vướng mắc.

Để giải ngân được khoản tiền hỗ trợ này, trong tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh này dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung tại NQ 29 ngày 7/6/2024 của HĐND tỉnh.

Lý do điều chỉnh được đưa ra là làm rõ chủ thể (các địa phương, đơn vị) được thụ hưởng, qua đó có cơ sở để nhập TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, được triển khai tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp, các cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện và một số đơn vị sử dụng ngân sách), giải ngân nguồn vốn các dự án. Mặt khác, để phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết và thực tiễn triển khai.

Việc chậm giải ngân nguồn tiền hỗ trợ khắc phục bão lũ khiến nhiều công trình cầu cống hư hỏng chưa có vốn để duy tu, sửa chữa.

Trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Nghị quyết, trong đó quyết định điều chỉnh phụ lục kèm theo Nghị quyết 29 với nội dung: “Bỏ các cột: "Hiện trạng hư hỏng", "giải pháp", "Cơ quan tổ chức lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng". Sắp xếp lại các hạng mục công trình thuộc các địa phương, đơn vị được hỗ trợ và đính chính lại tên 2 hạng mục.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, thiên tai năm 2023 xẩy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã khiến 3 người tử vong, 5 người bị thương, 39 nhà bị sập, thiệt hại trên 70%, 793 nhà tốc mái, hư hỏng, 15 nhà phải di dời khẩn cấp…ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng.

Hàng chục công trình cầu cống, đường sá, kênh hư hỏng do bão gây ra được liệt kê chờ được đầu tư sửa chữa, nhưng nay vẫn nằm trên giấy dù đã có nguồn ngân sách phân bổ.

Trước nhu cầu cấp bách trong việc khắc phục hậu quả của bão lũ, giúp người dân tái thiết lại cuộc sống, việc giải ngân nguồn ngân sách cần sớm được các Ban/ ngành của tỉnh Nghệ An xử lý dứt điểm, sử dụng có hiệu quả như các chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh.

Hoàng Phạm