Link nguồn bài viết https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/165240/an-cu-lac-nghiep-tren-vung-dat-moi
Truy cập link gốc
Hài lòng với cuộc sống hiện tạiÔng Hồ Sơn Lâm là một trong những người Nghệ An đầu tiên vào ấp 5, xã Đồng Nơ lập nghiệp. Ông Lâm kể, sau 12 năm trong quân ngũ, tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia, là thương binh, bệnh binh, năm 1988 ông ra quân và chọn xã Đồng Nơ làm nơi lập nghiệp. Ngày đó nơi đây còn nhiều khó khăn, đất rộng, người thưa, ông quyết tâm ở lại khai hoang xây dựng kinh tế mới. Bằng bàn tay, khối óc, ông và gia đình đã lập nghiệp thành công trên vùng đất này. Bên cạnh làm kinh tế, ông còn tham gia công tác chính quyền, làm trưởng ấp, rồi phó chủ tịch UBND xã. “Lúc đầu mới đến lập nghiệp, chúng tôi khai hoang trồng cây gì tốt cây đó, khoai sắn (mì) cũng nhiều. Tích cóp được ít vốn thì mua nọc tiêu và xin hạt điều về trồng, sau đó trồng cao su, nhờ vậy kinh tế ngày càng ổn định” - ông Lâm chia sẻ.
Từ đường của dòng tộc người Nghệ An được xây dựng tại ấp 5, xã Đồng NơÔng Lâm cho biết thêm, quê ông ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đất đai ít, người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đi biển đánh cá, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thấy ông ở Bình Phước làm kinh tế được nên nhiều người đã theo vào đây lập nghiệp. “Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Con cái trưởng thành, rẫy vườn đủ cả cứ thế chăm sóc đến mùa là có thu hoạch” - ông Lâm vui vẻ cho biết.
Vui vầy tuổi giàNăm 1985, cuộc sống ở quê Đô Lương, tỉnh Nghệ An nhiều khó khăn, đói, nghèo đeo bám, vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Thẩm - Nguyễn Thị Nga dẫn các con theo người quen rời quê hương vào huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương làm kinh tế. Đến năm 1992, ông bà chuyển lên xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản lập nghiệp và định cư đến nay. Ngoài lương hưu, trợ cấp thương binh, bệnh binh, ông bà chăm chỉ khai hoang, phát rẫy trồng được gần 5 ha cao su, điều và cây ăn trái. Kinh tế gia đình ngày càng vững, con cái được học hành, có việc làm ổn định. Với ông bà đi làm kinh tế ở vùng quê mới, được như hôm nay là hạnh phúc. “Cho đến bây giờ, tôi thấy quyết định chuyển vào đây ở là rất đúng đắn. Nơi đây khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, con cái được học hành và có việc làm ổn định” - ông Thẩm hạnh phúc.
Vợ chồng ông Hoàng Ðình Mai thăm vườn cao su của gia đìnhCũng là người Nghệ An, năm 1992, vợ chồng ông Hoàng Đình Mai - bà Hồ Thị Đại theo người thân vào xã Đồng Nơ lập nghiệp. Ra đi hai bàn tay trắng nhưng nhờ sự cần cù, ông bà đã gầy dựng thành công cơ nghiệp ở nơi đây. Hiện vợ chồng ông có 5 ha cao su với thu nhập ổn định và nhiều tài sản khác. Con cái trưởng thành, có cơ ngơi, công việc riêng. Ở tuổi 74, ông bà vẫn tự chăm sóc nhau, vui vầy tuổi già. “Vào đây làm kinh tế, tôi thấy cuộc sống ổn định hơn rất nhiều. Bao năm qua, vợ chồng tôi tích cóp được đất đai, nhà cửa, giờ lớn tuổi chia bớt cho con cái, chỉ giữ lại mấy héc ta cao su thuê người làm, vẫn có thu nhập, không phải nhờ đến con” - ông Mai cho biết.
Năm 1989, ấp 5, xã Đồng Nơ được thành lập. Khi ấy, cả ấp chỉ có 5 hộ dân, 2 năm sau tăng lên 50 hộ và đến nay có 315 hộ, trong đó 98% số hộ là người Nghệ An vào đây lập nghiệp. Ấp 5 không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu chiếm 70%. “Người Nghệ An vốn cần cù lại có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, dìu dắt nhau cùng tiến bộ. Con cháu họ hiếu học, số lượng các cháu đậu trường chuyên và đại học ở đây rất nhiều” - ông Ngô Duy Mừng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Nơ cho biết.
Ông Ngô Duy Mừng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Nơ (bìa phải) đến thăm gia đình ông Hồ Sơn LâmVới tinh thần đoàn kết, chịu khó lao động, người Nghệ An ở Đồng Nơ vẫn giữ được nét riêng, cùng nhau đồng tâm, đồng lòng xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hiền Lương