Link nguồn bài viết https://baophapluat.vn/nghe-an-nguoi-dan-bi-anh-huong-thuy-dien-ban-ve-moi-mon-cho-tai-dinh-cu-post533858.html
Truy cập link gốc
Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. (Ảnh: Tám Bảy)Năm 2018, ảnh hưởng của cơn bão số 4, trận lũ lịch sử ngày 30 - 31/8/2018, Thủy điện Bản Vẽ đã xả lũ khiến nhiều hộ dân tại Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) và các khu vực lân cận bị sạt lở nhà cửa, mất đất sản xuất, công trình công cộng hư hỏng nghiêm trọng.
Hướng giải quyết sau đó được thống nhất tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, sau đó Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC và thiệt hại sau bão số 4.
Địa phương cùng cơ quan liên quan đã khảo sát, lập hồ sơ phối hợp TCty phát điện 1, EVN, BQL dự án Thủy điện 2 thống nhất mức kinh phí hỗ trợ, TĐC cho 17 hộ dân 2 bản tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Chảo (xã Lượng Minh) hơn 25 tỷ đồng và khu TĐC Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân tại Bản Vẽ (xã Yên Na) với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng, tổng cả hai hạng mục khoảng 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã rất nhiều công văn, báo cáo nhưng kế hoạch vẫn chưa được triển khai. Mới đây nhất, ngày 28/8/2024, Bộ Công Thương thống nhất phương án tái định cư tại Báo cáo số 218 với kinh phí từ nguồn đầu tư dự án. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn 7505 ngày 14/10/2024 có nêu: Tại Báo cáo 218, Bộ Công Thương đã xác định các công việc thống nhất hỗ trợ và việc bố trí nguồn vốn cho các công việc thống nhất hỗ trợ thuộc thẩm quyền của TCty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và EVN. Căn cứ Báo cáo 218 và các quy định pháp luật liên quan, Bộ Công Thương, EVN, UBND tỉnh Nghệ An theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao, xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và ý kiến lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo tại Thông báo 143 ngày 13/4/2019; khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp để ổn định cuộc sống cho người dân.
Những ngôi nhà hạ lưu Thủy điện Bản Vẽ bị đổ sập hồi năm 2018. (Ảnh: Ngô Toàn)Ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Na nói: “Người dân đã chờ đợi suốt 6 năm, bao nhiêu văn bản hướng dẫn, nhưng mãi vẫn chưa triển khai khiến người dân từ mong ngóng này đến mong ngóng khác. Cử tri lần nào tiếp xúc cũng hỏi, chờ đợi, nhưng chưa biết khi nào thành hiện thực”.
Ông Nguyễn Hữu Hiến (Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương) nói: “Từ 2019 đến nay sự việc đã một số lần được Trung ương cho ý kiến, nhưng mới đây, phía chủ đầu tư lại có văn bản mới cho rằng không đủ thẩm quyền. Quan điểm của huyện là phía chủ đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống”.
Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là công trình trọng điểm do EVN làm chủ đầu tư, khởi công năm 2004 và vận hành từ năm 2010. Hàng năm, nhà máy cung cấp trung bình hơn 1.084 triệu kWh điện, đóng góp quan trọng cho lưới điện quốc gia. Hơn 3.000/14.324 hộ dân/khẩu thuộc 34 bản làng tại Tương Dương phải rời bỏ nơi chốn quen thuộc, nhường đất cho dự án.
Liên quan Thủy điện Bản Vẽ, sự việc tại các khu TĐC xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) cũng tương tự. Từ 2007 - 2009, hơn 2.100 hộ dân nhường đất cho thủy điện đã chuyển đến đây sinh sống. Tuy nhiên, những công trình thiết yếu như chợ, nhà văn hóa, sân vận động, hay đài tưởng niệm liệt sĩ vẫn chưa được xây dựng, dù đã nhiều lần đề nghị phía chủ đầu tư và đã được thống nhất hỗ trợ từ 6 năm trước.
Tại Báo cáo 218 của Bộ Công Thương có nêu, danh mục thống nhất đề nghị hỗ trợ tại huyện Thanh Chương gồm: Nhà văn hóa bản Noòng (xã Ngọc Lâm); Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm; Chợ nông thôn xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm; Sân vận động Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Thực tế, đến nay chưa có hạng mục nào được triển khai. Hai xã TĐC này vì vậy được người dân gọi là xã “3 không”: Không chợ, không đài tưởng niệm, không sân vận động.
Ông Lê Đình Thanh (Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương) nói: “Từ đầu khi đề xuất các hạng mục, lên dự toán, khảo sát thiết kế các kiểu và được đồng ý từ Chính phủ, Bộ Công Thương; nhưng đến nay một số quan điểm lại đề nghị xin ý kiến Trung ương. Nếu ban đầu không đồng ý để người dân khỏi ngóng trông, chính quyền địa phương cũng sẽ nghiên cứu để tìm nguồn vốn khác thay thế triển khai sớm cho người dân bảo đảm cuộc sống”.
Ngô Toàn