Link nguồn bài viết https://nguoiduatin.vn/nghe-an-co-tan-chu-tich-ubnd-tinh-204250103182306691.htm
Truy cập link gốc
Chiều 3/1, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức kỳ họp thứ 26 để thực hiện công tác nhân sự và thông qua một số nội dung.
Thường trực HĐND Nghệ An tặng hoa chúc mừng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung và tân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh (bên trái). Ảnh NA.Tại kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; sau đó bầu bổ sung Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Với 100% phiếu tán thành, ông Lê Hồng Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Lê Hồng Vinh gửi lời cảm ơn tới các đại biểu HĐND tỉnh tin tưởng và tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh. Đây vừa là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm lớn trước Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Để hiện thực hóa khát vọng và mục tiêu đưa Nghệ An tăng tốc phát triển thành tỉnh khá, cùng cả nước bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, tân Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.
Trong đó, có vai trò rất quan trọng của các vị đại biểu HĐND, sự tham gia đóng góp, giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như sự chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh.
Hiện, Nghệ An có 3 Phó Chủ tịch gồm: Bùi Thanh An, Bùi Đình Long, Nguyễn Văn Đệ. Theo Nghị quyết 137/2024/QH15, ngày 26/6/2024 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, Quốc hội cho phép UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch.
Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh NA.Ngoài ra, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Gồm: Dự án Đường dây 220kV ĐG Trường Sơn – Đô Lương đấu nối Nhà máy điện gió Trường Sơn vào Hệ thống điện Việt Nam; Dự án Đường dây 220kV Tương Dương – Đô Lương; Dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kV Tân Kỳ.
Đây là những dự án có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết tình trạng thiếu điện trong khu vực miền Bắc và tăng tính ổn định cung cấp điện cho phụ tải một số địa phương trên địa bàn tỉnh, là vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị.
HĐND tỉnh cũng thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích là 4,34178 ha, gồm: 0,25638 ha rừng phòng hộ; 0,62590 ha rừng tự nhiên sản xuất; 2,57011 ha rừng trồng sản xuất; 0,16160 ha rừng tự nhiên ngoài 3 loại rừng; 0,72779 ha rừng trồng ngoài 3 loại rừng.
Tiếp đó, HĐND tỉnh đã thông qua dự thảo Nghị quyết cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị trong giai đoạn tới của tỉnh theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đảm bảo thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 45 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (thành phố Vinh mở rộng), 2 đô thị loại III (thành phố Hoàng Mai và thành phố Thái Hòa), 2 đô thị loại IV/III (thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương), 15 thị trấn huyện lỵ và khoảng 25 thị trấn tiểu vùng thuộc huyện.
Nguyễn Anh Ngọc