Link nguồn bài viết https://daidoanket.vn/khu-tai-dinh-cu-khong-co-nguoi-dinh-cu-10297719.html
Truy cập link gốc
Khu tái định cư chống ngập lụt Điền Mỹ (Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) chưa có điện, nước nên người dân không thể định cư. Ảnh: H.Nguyên.Khu tái định cư chống ngập lụt xã Điền Mỹ chỉ cách nơi ở cũ chưa đầy 2km. Khu vực sản xuất của người dân ở giữa nơi ở cũ và khu tái định cư. Vùng tái định cư có địa hình đẹp, quy hoạch bài bản nhưng người dân không mặn mà đến ở. Sự việc khiến chính quyền địa phương không khỏi băn khoăn.
Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực tái định cư xã Điền Mỹ mới có 2 hộ dân xây nhà nhưng chưa đến ở, lác đác một số hộ dân khác đã tập kết vật liệu nhưng chưa khởi công xây dựng. Hệ thống đường, mương thoát nước, nhà hội quán ở khu tái định cư đã xây dựng khá hoàn thiện, tuy nhiên nước sạch không có, điện chưa bắt về tận hộ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Giáo ở vùng rốn lũ thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ là hộ tiên phong đến nhận đất, xây nhà, nhưng gia đình ông chưa thể đến ở ổn định. “Chưa có điện thắp sáng và nước sinh hoạt nên gia đình chỉ đến ở tạm thời. Nguyện vọng mong các cấp có thẩm quyền sớm đóng điện và đầu tư xây dựng công trình nước sạch để gia đình ổn định cuộc sống, sinh hoạt lâu dài” - ông Giáo chia sẻ.
Một hộ dân thuộc diện di dời lên tái định cư ở xã Điền Mỹ bày tỏ: Chúng tôi giờ đã làm nhà kiên cố ở vị trí đất cũ. Nếu di chuyển lên khu tái định cư thì không có tiền làm nhà. Trong khi đó quy định điều kiện lên khu tái định cư phải chuyển đổi đất ở vị trí cũ thành đất trồng cây lâu năm, nhà phải phá bỏ. Thế nên không ai mặn mà để rời chốn cũ.
Dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho người dân xã Phương Mỹ (nay là xã Điền Mỹ) do UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư với nguồn vốn 41 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Ngọc và Công ty CP Xây dựng Sông Ba (đóng tại thị trấn Hương Khê) thi công. Theo kế hoạch, dự án được triển khai từ năm 2017-2019, mục tiêu đề ra sẽ tái định cư cho 165 hộ dân thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ của 2 thôn Trung Thượng và Ấp Tiến (xã Điền Mỹ).
Cụ thể, mỗi hộ dân nằm trong diện di dời sẽ được cấp 1 suất đất ở miễn phí để xây dựng nhà và các công trình phụ trợ với diện tích từ 360 - 390m2. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, thiếu vốn nên tháng 11/2020 dự án mới triển khai xây dựng. Đến tháng 1/2023, dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Theo tìm hiểu, việc người dân không mặn mà với dự án khu tái định cư là do nhiều hộ không còn đảm bảo các điều kiện dự án đặt ra; số khác họ không muốn rời bỏ nơi ở cũ để đến vị trí mới vì khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, người dân còn cho rằng khu quy hoạch chưa đáp ứng điều kiện như thiếu nước sạch và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.
Ông Hoàng Xuân Tần - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cho biết: Hiện nay khu tái định cư đã có 34 hộ nhận đất, trong đó 3 hộ đã tập kết vật liệu để xây dựng nhà ở và có 2 hộ đã xây nhà nhưng chưa đến ở. Việc vận động người dân nhận đất tái định cư của địa phương gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Tần có nhiều nguyên nhân khiến ít người nhận đất tái định cư. Thứ nhất, do quá trình xây dựng hạ tầng khu tái định cư kéo dài từ năm 2017 đến năm 2022 mới hoàn thành nên nhiều hộ đã xây dựng nhà tránh lũ nơi cũ nên không không có nhu cầu di dời lên tái định cư nữa. Thứ hai, khu tái định cư chưa có điện, nước nên người dân đã xây nhà nhưng không thể đến ở. Mặt khác, để xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư cần ít nhất 300 - 400 triệu đồng, trong khi điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế.
“Huyện đã chỉ đạo, đến 10/1/2025 phải hoàn thành thủ tục lắp đặt điện, khoan giếng nước cho người dân ở khu tái định cư. Sau khi có đầy đủ điện, nước, có thể người dân sẽ đăng ký nhận đất tái định cư nhiều hơn” - ông Tần cho biết thêm.
Giải thích việc số hộ dân lên nhận đất, làm nhà ở tại khu tái định cư chống ngập lụt xã Điền Mỹ thấp, đại diện huyện Hương Khê cho rằng quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi thực hiện dự án kéo dài nhiều năm, ban đầu số hộ dân đăng ký tái định cư lớn nhưng sau đó họ chủ động nâng cấp nhà cửa nên không còn nhu cầu nữa. Hơn nữa, theo quy định khi lên tái định cư, nơi ở cũ của người dân phải chuyển đổi mục đích đất ở thành đất canh tác nên người dân không muốn đánh đổi.
HẠNH NGUYÊN