Link nguồn bài viết https://www.baogiaothong.vn/huyen-dien-chau-nghe-an-lung-tung-xu-ly-cong-trinh-chan-duong-vao-nghia-trang-192241209220717579.htm
Truy cập link gốc
Mong người dân chia sẻNhững ngày đầu tháng 12/2024, có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), PV Báo Giao thông ghi nhận, khu nghĩa trang được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Tuyến đường nối từ QL7A vào đến nghĩa trang dài khoảng 500m phần lớn đã được thảm bê tông nhựa, trồng cây xanh hai bên.
Toàn cảnh đường vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Diễn Châu (chụp trước khi gia đình bà Loan xây dựng tường rào).Tuy nhiên, chính giữa đường (đoạn chưa thi công đường bê tông) có một công trình mới được xây dựng, chắn gần hết lối vào nghĩa trang. Phía trong ba bức tường gạch cao khoảng 2m còn có rất nhiều đất đá và một thùng container.
Người dân sống gần nghĩa trang liệt sĩ cho biết, công trình này của hai hộ dân ở xã Diễn Thành xây dựng vào giữa tháng 11/2024. Ngay khi xây dựng, nhiều người dân đã phản đối vì vị trí đó đã được chính quyền quy hoạch làm đường vào nghĩa trang.
Chính quyền xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu cũng đã có mặt, lập biên bản đình chỉ việc xây dựng nhưng hai hộ dân này không chịu bàn giao mặt bằng.
Người dân cho biết thêm, trước khi bị lấn chiếm xây dựng, vị trí này là bãi đất trống, được các tài xế xe tải dừng đậu để ăn cơm, nghỉ ngơi.
Một lãnh đạo xã Diễn Phúc xác nhận, phần đường vào nghĩa trang liệt sĩ huyện thuộc địa phận xã Diễn Thành do chưa đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa thi công. Vị trí đang có hai công trình án ngữ là của hai hộ dân ở thị trấn Diễn Châu chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.
"Nghĩa trang liệt sĩ là nơi trang nghiêm, để nhếch nhác kéo dài sẽ rất phản cảm, mong các hộ dân cùng đồng hành, chia sẻ với chính quyền địa phương", vị lãnh đạo xã Diễn Phúc nói.
14 năm không giải quyết xongQua tìm hiểu, hai thửa đất nói trên là của hộ gia đình ông Ngô Xuân Huy và bà Hoàng Thị Loan (đều trú ở xã thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu). Mỗi thửa đất có diện tích 165m2 (gồm 105m2 đất ở, 60m2 đất vườn), nằm cạnh QL7A và tiếp giáp với đường vào nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Cảnh lầy lội sau mưa trên đường vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Diễn Châu (chụp trước khi gia đình bà Loan xây dựng tường rào).Năm 2011, UBND huyện Diễn Châu ban hành quyết định thu hồi đất để làm dự án xây dựng đền thờ liệt sĩ huyện, trong đó có việc mở rộng, xây dựng đường vào với chiều rộng mặt đường 22,5m.
Nhưng nội dung này không thông báo cho hai hộ dân có đất bị thu hồi là bà Loan và ông Huy. Sau khi hai hộ dân kiến nghị, ngày 13/11/2019, UBND huyện Diễn Châu ban hành quyết định hủy bỏ nội dung thu hồi hai thửa đất trên.
Đến nay, hai thửa đất chưa có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền (do các quyết định thu hồi đất trước đó đã bị hủy bỏ). Tuy nhiên, khi ông Huy, bà Loan chuẩn bị xây dựng công trình thì bị xã Diễn Thành đình chỉ với lý do đã thuộc phạm vi quy hoạch đường vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Diễn Châu.
Sau nhiều năm không được giải quyết, ngày 14/11, hộ ông Huy, bà Loan tiến hành xây dựng trên hai thửa đất nói trên và bị UBND xã Diễn Thành ra văn bản đình chỉ với lý do trái quy hoạch, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để chờ làm thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng.
Sau đó, gia đình ông Huy đã thống nhất, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương. Còn lại bà Loan chưa nhất trí và giữ nguyên hàng rào bao quanh đất thửa của mình.
Bà Loan cho biết, dù gia đình nhiều lần có đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có chỉ đạo nhưng đến nay đã 14 năm huyện Diễn Châu vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Vì vậy, vừa rồi gia đình bà đã xây dựng tường bao xung quanh.
Chính quyền khó xửCũng theo bà Loan, đến nay huyện Diễn Châu chỉ mới làm việc chính thức với gia đình bốn lần. Trong đó có hai lần làm việc với đại diện luật sư nhưng không ra được kết luận, một lần với gia đình và có kết luận, một lần là tiếp dân. Còn lại, một số lần khác phía huyện gọi điện thoại lên trao đổi, thông báo.
Cảnh nhếch nhác trước đường vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Diễn Châu trước khi bị gia đình bà Loan xây dựng tường rào."Mới đây, vào đầu tháng 12/2024, huyện cũng gọi điện thoại mời gia đình lên trao đổi. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với cách làm việc này và đã ý kiến có phải làm việc chính thức hoặc trả lời bằng văn bản. Đất chúng tôi hai mặt tiền, nằm ở trung tâm huyện nên sinh lợi rất cao. Nguyện vọng của gia đình là đền bù bằng một thửa đất hoặc tiền có giá trị tương đường", bà Loan nói.
Một lãnh đạo xã Diễn Thành cho biết, hộ gia đình bà Loan đòi hỏi quá cao, trong khi việc đền bù, nhà nước đã có các quy định cụ thể. Đất quy hoạch đường vào nghĩa trang liệt sĩ huyện và cả đất khu đô thị bên cạnh cũng đều do UBND huyện đền bù, giải phóng mặt bằng chứ không phải giao cho doanh nghiệp tự giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trả lời báo chí, ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, đối với hộ bà Hoàng Thị Loan, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, triển khai các trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để thi công đường vào đền thờ liệt sĩ huyện.
Sỹ Hòa