Thực hiện Dự án 6 tại Nghệ An: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số

10/12/2024 22:19
'Thông qua các hoạt động thuộc Dự án 6, mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân được nâng cao trong khi vẫn đảm bảo yếu tố hiệu quả bền vững, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sinh thái', bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An - đánh giá.
Link nguồn bài viết
https://phunuvietnam.vn/thuc-hien-du-an-6-tai-nghe-an-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-cua-cac-dan-toc-thieu-so-20241210112801334.htm
Truy cập link gốc
Phụ nữ Thái huyện Quỳ Châu, Nghệ An, dệt thổ cẩm truyền thống

Sức sống mới ở miền sơn cước

Đã thành thông lệ, vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, các thành viên CLB Văn nghệ quần chúng lại tụ họp về Nhà Văn hóa xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) để tập luyện, trao đổi kinh nghiệm về dân ca, dân vũ và thổi khèn Mông. Năm 2022, Tây Sơn là 1 trong số 3 CLB văn nghệ quần chúng cấp huyện đầu tiên được UBND huyện Kỳ Sơn vận động thành lập với 20 thành viên biết hát, múa, thổi khèn.

Từ những thành viên ban đầu là những người lớn tuổi, đến nay CLB đã thu hút thêm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau và nhân rộng đến các trường học trên địa bàn xã. Mỗi bản đều có ít nhất 1 đội văn nghệ quần chúng biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, sinh hoạt động đồng.

Xã Tây Sơn hiện có 191/338 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 56,5% (tăng 12% so với năm 2019); toàn xã có 6/6 nhà văn hóa bản (đạt tỷ lệ 100%). Cùng với việc đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Việc triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã và đang tạo ra động lực quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Mông ở xã Tây Sơn ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất.

Theo bà Cụt Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kỳ Sơn: "Những năm gần đây, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa diễn ra sôi nổi, đem lại sức sống mới, tinh thần mới cho bà con miền sơn cước. CLB văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo nhân dân đủ thành phần, lứa tuổi nhiệt tình tham gia.

Đây là lực lượng hoạt động thường xuyên phục vụ công tác tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tạo cơ sở cho bà con phát triển vốn văn hóa truyền thống dân tộc, qua đó, tầm ảnh hưởng tích cực của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định. Người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững danh hiệu xã sạch về ma túy".

Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tham gia lớp tập huấn nghệ thuật trình diễn dân gian cho đồng bào dân tộc Mông tỉnh Nghệ An

Cũng theo bà Hương, hiện nay trên địa bàn huyện có 186 khối, bản có nhà văn hóa, trong đó có 102 nhà văn hóa, bản khối có đủ trang thiết chế đạt 53,4% (vượt chỉ tiêu chỉ tiêu đề ra 50%). Có 191/191 đội văn nghệ quần chúng cấp bản, khối; 123 nhà văn hóa có đầy đủ thiết bị phục vụ đội văn nghệ hoạt động đạt 64,4% đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu đề ra 60%-70%).

Hằng năm, huyện hỗ trợ tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS thông qua các lớp tập huấn, các đợt đi tham quan học tập kinh nghiệm. Ban hành các văn bản hướng dẫn công nhân các làng nghề truyền thống kết hợp bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn.

Hiện nay có 21/21 xã có cán bộ văn hóa xã hội phu trách lĩnh vực văn hóa thông tin, trong đó 18 người thuộc đồng bào DTTS, các cán bộ văn hóa xã hội có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của địa phương và được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, vượt chỉ tiêu đề ra.

Trên địa bàn huyện cũng có 15 CLB văn hóa văn nghệ, dân ca, ví dặm cấp huyện đại diện cho 3 hệ dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú. Huyện đã lựa chọn xây dựng các mô hình tiêu biểu như: CLB Khắc luống - cồng chiêng - nhảy sạp (xã Hữu Lập), CLB Văn nghệ (xã Tây Sơn), CLB dân Ví (xã Mỹ Lý), CLB hát Tơm (bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm)...

Mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân được nâng cao

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An - cho biết: Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Nghệ An ngay từ đầu giai đoạn. Quá trình rà soát, đề xuất cũng như triển khai, Sở Văn hóa và Thể thao nhận được sự phối hợp của các địa phương và Sở, ngành liên quan, đảm bảo tiến độ các nội dung Chương trình.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện cho đơn vị triển khai sớm các nội dung. Thông qua các hoạt động thuộc Dự án, mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân được nâng cao mà vẫn đảm bảo yếu tố truyền thống, không bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xu hướng hội nhập. Các hoạt động, nội dung của Dự án 6 nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, sự hưởng ứng của đồng bào DTTS và miền núi.

Dự án 6 có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cao cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao và các đối tượng liên quan đến hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng tủ sách phục vụ đồng bào…

Tính đến tháng 10/2024, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Vốn đầu tư phát triển được bố trí thực hiện 2 dự án: Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu và Dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Nhà cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, hiện trong quá trình thi công, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Mô hình du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tính đến thời điểm báo cáo đã hoàn thành việc mua sắm, bàn giao trang thiết bị cho 228 nhà văn hóa; xây dựng 1 mô hình văn hóa; xây dựng 10 tủ sách cộng đồng; hỗ trợ chống xuống cấp cho 3 di tích. Tuy nhiên, hiện còn 41 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có thiết chế văn hóa, thể thao; 418 nhà văn hóa thôn, bản đã xây dựng nhưng xuống cấp hoặc không đảm bảo quy mô tiêu chuẩn.

Nhu cầu lớn nhưng việc huy động nguồn lực còn hạn chế. Các huyện miền núi khó khăn trong việc đối ứng nguồn vốn, việc thực hiện Chương trình phần lớn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc, cán bộ văn hóa tại các địa phương triển khai Chương trình phải kiêm nhiệm đồng thời nhiều nhiệm vụ. Với thực trạng đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất chỉ tiêu giai đoạn 2026-2030 trên cơ sở chỉ tiêu khả thi giai đoạn 2021-2025, điều chỉnh một số nhiệm vụ theo nhu cầu thực tiễn, cấp bách của địa phương.

Để việc thực hiện Dự án 6 đạt mục tiêu cao nhất, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cũng đã đề xuất: Đối với nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống cho mỗi dân tộc có khó khăn đặc thù thì cần điều chuyển từ nội dung sử dụng vốn sự nghiệp sang nội dung sử dụng vốn đầu tư do nhiệm vụ có nguồn vốn lớn, thời gian triển khai kéo dài.

Với nhiệm vụ Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa thể thao tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần tăng định mức số điểm trên mỗi nhà văn hóa do định mức hiện tại quá thấp, không đảm bảo kinh phí cho việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Vy Thanh