Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/ha-tinh-voi-cuoc-tong-tuyen-cu-dau-tien-nam-1946-post280490.html
Truy cập link gốc
Nhân dân hưởng dụng quyền dân chủ
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tổ chức tổng tuyển cử là nhiệm vụ hàng đầu nhằm xây dựng một Chính phủ chính thức của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bầu cử tại nhà số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Ảnh tư liệu Về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”; “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những người được ứng cử ĐBQH, theo Người là “Những người muốn lo việc nước” và “Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”.
Trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, KT-XH hết sức khó khăn nhưng Tổng tuyển cử đã được Hà Tĩnh cùng các địa phương trong cả nước chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Một điểm bỏ phiếu ở Hà Nội trong ngày 6/1/1946. (Nguồn: TTXVN) Để chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử của Hà Tĩnh đã được thành lập tới tận làng xã do UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Hà Tĩnh cùng với đồng bào cả nước được quyền ứng cử và bầu cử, tham gia xây dựng cơ quan chính quyền. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử.
Tất cả danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành, niêm yết công khai. Khắp nơi trong tỉnh rợp trời cờ hoa, biểu ngữ với không khí rộn ràng, náo nức. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 6/1/1946, Nhân dân cả nước nô nức lần đầu tiên đi bầu, thực hiện quyền công dân, tham gia xây dựng cơ quan chính quyền. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, 89% cử tri cả nước đã tham gia bầu cử, bầu ra 333 ĐBQH khóa I, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với số phiếu cao nhất (98,4%).
Cử tri Thủ đô xem danh sách, tiểu sử các đại biểu ra ứng cử. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) Tại Hà Tĩnh, đã có hơn 20 vạn cử tri từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ cũng đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Kết quả đã bầu ra 7 đại biểu Hà Tĩnh vào Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm các vị: Tạ Quang Bửu (do Trung ương giới thiệu về), Trần Hữu Duyệt, Trần Bình, Lê Lộc, Hồ Văn Ninh, Nguyễn Trọng Nhã, Nguyễn Đình Lương.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo Hiến pháp. Tiếp đó, ngày 17/2/1946, cuộc bầu cử HĐND tỉnh và HĐND xã cũng được tiến hành thắng lợi. Trên 97% tổng số cử tri Hà Tĩnh đã đi bỏ phiếu, các đại biểu là đảng viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Kết quả, có 26 đại biểu HĐND tỉnh và 181 đại biểu HĐND xã trúng cử.
Ngay sau khi có kết quả, HĐND các cấp đã họp những phiên đầu tiên để bàn định các chủ trương, biện pháp củng cố chính quyền, xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị kháng chiến.
Phát huy tinh thần ngày tổng tuyển cử đầu tiên
Từ kết quả của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên với sự ra đời của Quốc hội, thế hệ hôm nay mang trên vai sứ mệnh lịch sử phải tiếp tục khởi dậy tinh thần tự cường, đoàn kết, sáng tạo đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với vai trò là cơ quan lập pháp cao nhất, là khâu then chốt trong việc đổi mới và xây dựng thể chế, Quốc hội có trách nhiệm ban hành, sửa đổi các luật, chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong bối cảnh mới; giám sát hoạt động của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Thông qua các quyết định, Quốc hội giúp tạo ra một hệ thống pháp lý minh bạch, ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy hội nhập quốc tế và bảo vệ lợi ích dân tộc. Từ đó, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Kế thừa mạch nguồn truyền thống văn hóa, cách mạng, từ tinh thần cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng nhau đoàn kết, viết tiếp trang sử hào hùng, làm nên diện mạo mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh bấm bút biểu quyết thông qua các dự án luật trình Kỳ họp thứ 8 vừa qua. Với truyền thống 79 năm qua và tiếp nối những kinh nghiệm của các vị đại biểu tiền nhiệm, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện hiệu lực, hiệu quả quyền giám sát tối cao, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đổi mới nâng cao công tác dân nguyện, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, ý kiến của cử tri, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đồng hành với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Quang Đức