Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/chu-dong-cac-phuong-an-ung-pho-voi-bao-so-6-post276160.html
Truy cập link gốc
Bão số 6 có hướng di chuyển phức tạp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13h ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12 (89-133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m; biển động dữ dội.
Bão số 6 có hướng di chuyển phức tạp. Từ gần sáng ngày 27/10 vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên, đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Để chủ động ứng phó nguy cơ trên biển, lực lượng BĐBP phối hợp với các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn an toàn cho phương tiện, tàu thuyền.
Đến sáng 25/10, lực lượng biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh chủ động xả tràn hồ Bộc Nguyên trước dự báo có mưa lớn. Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận còn tồn tại 72 trọng điểm đê điều xung yếu. Đây là vấn đề mà các địa phương cần đặc biệt quan tâm trong trường hợp bão số 6 tiếp tục tiến sâu vào đất liền.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với bão số 6 và gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển. Đến nay, có 22 tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó.
Các đơn vị, địa phương đang tiếp tục kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú bão; lên phương án di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; triển khai đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình, nhất là vùng ven biển...
Tập trung ứng phó với bão số 6
Thảo luận tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan đã báo cáo công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 6 và biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão và mưa lớn sau bão gây ra.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Báo NNVNPhát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá bão số 6 là cơn bão có cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển, cấp độ gió có thể còn thay đổi, gây nên các đợt mưa lớn. Vậy nên, các đơn vị, địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm và nhanh chóng kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão vào nơi tránh trú an toàn, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Chủ động phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, vận hành các hồ, đập thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa khi có mưa lớn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung ứng phó bão số 6 và mưa lớn do bão gây ra. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và các công điện của tỉnh, của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về ứng phó với bão số 6.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng di chuyển của bão số 6 để thông tin tới người dân; tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, bão lũ trên địa bàn để triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Văn Đức