Xứ Nghệ xôn xao chuyện tên làng, tên xã sau sáp nhập: 'Những cái tên mới vô nghĩa và thiếu hồn cốt văn hóa'

13/04/2024 15:17
Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. Vì thế, khi tìm tên mới cho làng xã rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của người dân.
Link nguồn bài viết
https://suckhoedoisong.vn/xu-nghe-xon-xao-chuyen-ten-lang-ten-xa-sau-sap-nhap-nhung-cai-ten-moi-vo-nghia-va-thieu-hon-cot-van-hoa-169240413132417562.htm
Truy cập link gốc
Lạ lẫm tên Đôi Hậu

Không chỉ đơn thuần là một danh xưng, tên gọi làng, xã còn là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa, bản sắc địa phương, là sợi dây gắn kết con người với quê hương. Do đó, việc đặt tên gọi mới vừa đảm bảo tính thống nhất, vừa thể hiện được bản sắc riêng, đồng thời phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân đã và đang đặt ra những thách thức cho chính quyền địa phương. Nhiều làng, xã sẽ biến mất, nhiều làng, xã mới ra đời. Việc tên làng đặt như thế nào cho phải trở thành một vấn đề không nhỏ.

Xã Quỳnh Đôi nổi danh về truyền thống hiếu học, khoa bảng.

Mới đây, UBND huyện Quỳnh Lưu có văn bản báo cáo với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An về tên xã sau sáp nhập. Theo đó, có 14 xã của huyện phải sáp nhập thành bảy xã mới. Trong đó, có hai xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ sẽ thành xã Hoa Mỹ còn xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sẽ có tên mới là xã Đôi Hậu.

Chuyện đặt tên xã mới này được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội, tạo tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Ông Hồ Sỹ Tá, người dân xã Quỳnh Đôi cho biết, tên Đôi Hậu nó không được mỹ miều, không đúng với truyền thống văn hóa của làng Quỳnh Đôi. "Cả nước Việt Nam này có bao nhiêu làng xã được như Quỳnh Đôi và không dễ gì nhân dân cả nước nhắc đến Quỳnh Đôi, biết đến "Bắc Hà-Hành Thiện, Hoan Diễn-Quỳnh Đôi" đó là sự ghi nhận của nhân dân cả nước. Truyền thống văn hóa của làng, xã không chỉ xây dựng trong ngày một ngày hai mà nó tồn tại đến nay gần 700 năm. Nay nhập lại lấy tên Đôi Hậu cá nhân tôi không đồng tình", ông Tá nói.

Việc sáp nhập làng xã là việc không mới trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển đất nước. Tuy nhiên, tên gọi địa phương cần gắn liền với lịch sử và văn hóa. Để tạo được sự đồng thuận trong dân và việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng.

Hơn 600 năm lịch sử, Quỳnh Đôi vẫn giữ nếp xưa cũ và hòa mình với dòng chảy thời gian để hôm nay là một làng nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Đừng để văn hóa truyền thống bị đứt gãy

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường ở Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Sở Khoa học và Công Nghệ,Nghệ An), việc đổi tên gọi địa danh là đứt gãy văn hóa, những cái tên mới vô nghĩa và thiếu hồn cốt văn hóa ra đời. "Nếu sắp tới đây những đề xuất của huyện Quỳnh Lưu được thực hiện, chẳng khác nào xóa bỏ một phần lịch sử, phá hủy một phần của văn hóa. "Hóa thạch sống" này khi không còn gắn với một đơn vị hành chính cụ thể sẽ bị lãng quên, dần qua các thế hệ không còn ai nhớ đến", nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường chia sẻ.

Cũng theo anh Cường, tên làng, xã không đơn thuần chỉ là một tên gọi với ý nghĩa hành chính, nó còn là một phần ký ức xứ sở được sự cô đọng qua một giai đoạn lịch sử.

"Nếu vì cái gọi là tái thiết văn hóa, để lại dấu ấn lịch sử cho mình mà những địa danh có "tuổi đời" nội hàm văn hóa bị thay đổi hay biến mất. Điều này thật nguy hại, bởi vì chỉ có kế thừa truyền thống thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững, chỉ có trân trọng lịch sử thì chúng ta mới có thể tạo ra lịch sử và định hướng tương lai", anh Cường nhấn mạnh.

Nói tới những địa danh đang được sáp nhập, đổi tên gây xôn xao dư luận, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường cho rằng, điều khiến cho nhiều người bất bình chính ở việc nhiều tên gọi cổ xuất hiện nhiều trong thành ngữ, ca dao và những tác phẩm trứ danh, gắn liền với tâm thức bao thế hệ người dân ở tận thôn cùng ngõ vắng, khả năng cao sẽ mất đi.

Nhà thờ cụ Hồ Phi Tích, bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, tượng đài Anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan... Đây là những người con ưu tú, làm nên tên tuổi của làng Quỳnh.

Bàn về vấn đề đặt tên mới cho làng, xã, nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường, cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế - xã hội kéo theo việc phải thay đổi quản lý các đơn vị hành chính.

Điều này tạo nên thách thức lớn trong việc giữ hay bỏ nhiều địa danh có tuổi đời hàng trăm năm, với nội hàm văn hóa và nguồn gốc lịch sử sâu sắc.

"Khi thay đổi cần duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh. Việc giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm. Bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm và ký ức xứ sở quê hương cội nguồn của bao thế hệ. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa và tính liên tục của đời sống kinh tế - xã hội," nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường nhấn mạnh.

Việc tìm ra cái tên mới cho làng, xã không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn kiến tạo nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất. Vì thế, theo ông Hồ Đức Thành, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, đầu tiên căn cứ theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội những xã nào đặc thù, đặc biệt không nhất thiết phải nhập. "Nếu 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu không thể nào giữ nguyên được thì nên căn cứ lịch sử, truyền thống, văn hóa, ra đời…để tìm tên mới phù hợp. Phương án hài hòa nhất, theo tôi rất cần thiết và quan trọng. Cần phải kỹ lưỡng đừng vội vàng, phải tạo được nhiều ý kiến cùng chiều của nhân dân, số đông nhân dân và thêm nhiều luận cứ khoa học thuyết phục", ông Thành nói.

Cũng theo ông Hồ Đức Thành, cần tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất cho cách đặt tên đơn vị hành chính mới từ sự đồng thuận của người dân và các nhà khoa học. Để từ đó có được cái mới tốt hơn, không đơn thuần chỉ là sự gọn nhẹ cho cơ quan quản lý mà quan trọng, vẫn giữ được hồn cốt văn hóa, lịch sử, truyền thống.

Hoàng Trinh