Những ngày cận Tết Nguyên đán, khoảng 100 hộ dân tại làng rèn Trung Lương (Hà Tĩnh) lại tất bật đỏ lửa để làm ra các sản phẩm kim khí phục vụ khách hàng. Dù có tuổi đời hàng trăm năm tuổi song nhiều người đã không thể gắn bó với nghề do sức cạnh tranh lớn của thị trường.
Link nguồn bài viết https://tienphong.vn/ve-lang-ren-trung-luong-tram-nam-tuoi-dip-can-tet-post1709301.tpo
Truy cập link gốc
Người làng rèn Trung Lương tất bật dịp cận Tết. Video: Phạm Trường.
Từ 5h sáng những ngày cuối năm, khắp các căn nhà ven sông đoạn qua phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) lại vang lên tiếng búa, tiếng kim loại va vào nhau rộn rã.
Đó là lúc người dân tất bật đỏ lửa để làm ra các sản phẩm kim khí như dao, cuốc, liềm, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Lãnh đạo UBND phường Trung Lương cho biết làng rèn Trung Lương đã có từ hàng trăm năm qua. Dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tăng cao, các hộ làm nghề tất bật hơn để đáp ứng đơn hàng của khách. Là nghề truyền thống song đến nay không chỉ còn khoảng 100 hộ gia đình tại địa phương gắn bó với nghề rèn. Tuy nhiên, làng nghề chưa bao giờ tắt lửa.
Ông Nguyễn Trọng Hải (50 tuổi, phường Trung Lương) cho biết, từ nhỏ đã học nghề rèn từ cha ông. “Sản phẩm làm ra bán hàng ngày nhưng dịp Tết sẽ bận rộn hơn do số lượng đặt hàng tăng cao. Mỗi ngày gia đình làm 20-30 chiếc dao, với giá 80-90.000 đồng cũng có thêm phần thu nhập khá”, ông Hải nói.
Để có sản phẩm tốt, người làng rèn Trung Lương thường chọn các loại thép tấm, dày hơn 7 mm, độ nung lửa cao.
Sản phẩm kim khí ở đây có nét riêng, sắc sảo khiến người dùng ưa thích.
Ông Trần Văn Hạnh (65 tuổi) cho hay, nghề rèn khá vất vả và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, người làm phải chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm của khói.
“Sản phẩm nghề rèn ở đây có sự khác biệt, độc đáo riêng nên giá bán ổn định. Tuy nhiên, thị trường ngày càng cạnh tranh với nhiều sản phẩm nên không ít hộ gia đình đã bỏ nghề”, ông Hạnh nói. Trong hình, người rèn đo cắt chi tiết phù hợp kích cỡ, đảm bảo yêu cầu đặt ra.
Dịp Tết, các loại dao là mặt hàng bán chạy hơn so với cuốc, xẻng… Bên cạnh làm theo đơn đặt hàng, người dân còn trực tiếp bày bán tại các chợ đầu mối, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thắng (56 tuổi, phường Trung Lương) mỗi ngày làm hàng chục chiếc dao. Sản phẩm làm ra đến đâu bán đến đó nên càng gần Tết gia đình không nhận thêm đơn hàng vì sợ không kịp làm cho khách.
Sản phẩm rèn Trung Lương sắc sảo vì làm thủ công, qua nhiều công đoạn kỹ càng nên nhiều người lựa chọn mua. Thế nhưng, người dân làng nghề rèn Trung Lương đang lo lắng về tương lai không xa khi thị trường cạnh tranh cùng việc không còn nhiều hộ gia đình gắn bó, nghề rèn bao năm sẽ dần mai một.