Về làng 'cá gỗ' nổi tiếng xứ Nghệ

30/03/2024 15:41
Quỳnh Đôi là một làng cổ, mang đầy đủ những đặc trưng của văn hóa làng xứ Nghệ với bề dày lịch sử - văn hóa còn lưu giữ được...
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/ve-lang-ca-go-noi-tieng-xu-nghe-post263948.html
Truy cập link gốc
Một ngày đẹp trời của tháng 3/2024, chúng tôi, những cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh hẹn nhau ở mảnh đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhiều trầm tích văn hóa và phong cảnh hữu tình. Đến đây mới thêm yêu một vùng văn hóa của xứ Nghệ từng là nơi phát tích và lưu giữ hai từ “cá gỗ”.

Anh Lê Văn Toàn và các cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh thăm làng "cá gỗ" Quỳnh Đôi.

Anh Lê Văn Toàn, nguyên giáo viên Văn của Trường THPT Quỳnh Lưu đón chúng tôi ở cổng làng Thượng Yên, Quỳnh Yên, xã kế cận của Quỳnh Đôi. Cổng làng uy nghi, bề thế với 2 dòng chữ “Trù phú”, “Văn minh” và 2 câu đối ở hai bên: “Đi tự tin sánh vai bậc tài trí”, “Về hoan hỉ sum họp tình quê hương”. Anh Toàn khoe: Các giáo sư người của làng ở Hà Nội chọn viết đó. Con em xa quê tự hào về làng quê mình nên đã đóng góp xây dựng cổng làng này.

Như một hướng dẫn viên du lịch, anh Toàn dẫn chúng tôi đi thăm chùa cổ Lam Sơn, đền Cờn ngoài, đền Cờn trong và cuối cùng dừng chân ở ngôi làng nổi tiếng xứ Nghệ “Làng Quỳnh Đôi” mà người dân hay gọi là “làng cá gỗ”.

Từng là sinh viên Khoa Ngữ văn, chúng tôi ai cũng biết câu chuyện dân gian “cá gỗ” - ông đồ Nghệ. Chuyện rằng: xa xưa, do đói khổ nhưng không muốn ai biết cảnh khổ của mình, ông thầy đồ đã làm một con cá gỗ ngâm vào nước mắm, ngày nào đến bữa cũng bưng ra, hàng xóm đến nhà tưởng rằng nhà ông ăn cơm với cá. Nếu hiểu bình thường thì cho rằng ông đồ có bệnh sĩ nhưng sâu xa thì đó là câu chuyện điển hình cho sự chịu khổ, vượt qua những thiếu thốn vật chất, thiên nhiên khắc nghiệt để học hành thành tài của người xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh). Biết bao thế hệ ông đồ Nghệ nghèo đói nhưng hay chữ đã đào tạo nên nhiều hiền tài cho quê hương, đất nước.

Người Quỳnh Đôi nói riêng, người Quỳnh Lưu nói chung đã vượt qua những tranh cãi, dị nghị về hình ảnh này, muốn xây dựng hình ảnh con cá gỗ trở thành biểu tượng đẹp của đất học xứ Nghệ. Và làng cá gỗ với hình ảnh những con cá treo trên cổng làng đã hấp dẫn du khách khám phá ngôi làng huyền thoại.

Hiện làng Quỳnh Đôi có 9 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích cấp Quốc gia.

Nói về Quỳnh Đôi là nói về mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng những danh nhân, hiền tài cho xứ Nghệ, cho cả nước. Dân gian có câu “Bắc Hà: Hành Thiện; Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” chứng tỏ danh tiếng của ngôi làng này không chỉ ở trong tỉnh mà đã vang danh khắp cả nước, sánh ngang với làng Hành Thiện ở Xuân Trường, Nam Định ở vùng Bắc Hà, quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Chúng tôi thả bộ trên con đường nhựa vào cổng làng. Từ ngoài cổng phía bên trái là dòng chữ: “Làng Quỳnh Đôi. Khai cơ 1378 bởi Thủy tổ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng”. Những người đầu tiên khai cơ lập làng được xem là thủy tổ của làng, thuộc 3 dòng họ: Hồ, Hoàng và Nguyễn.

Tìm hiểu tôi được biết: Sử làng còn ghi lại: Đầu thế kỷ XIV, cụ Hồ Kha, một quan chức đời Trần, về xem phong cảnh vùng này và cho rằng, đây tuy không phải là vùng sơn thủy hữu tình nhưng lại là mảnh đất “Đinh phong dẫn mạch, tinh thủy đáo đường”. Năm 1378, cụ Hồ Kha giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng với các ông Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh trụ lại khai cơ lập làng, lấy tên là làng “Thổ Đôi”.

Về sau, nhiều dòng họ khác cũng về đây sinh sống, Thổ Đôi ngày càng phát triển. Đến năm 1528, ông Hồ Nhân Hy (đời Mạc) đổi tên Thổ Đôi trang thành Quỳnh Đôi thôn, tức xã Quỳnh Đôi ngày nay. Nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, Quỳnh Đôi đã đi vào tục ngữ, phương ngôn từ đời này sang đời khác: Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/ Ông nghè, ông cử như hoa vườn Quỳnh; Lụa tơ làng Hạ/ Văn hiền Quỳnh Đôi…

Năm 1952, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong bài tựa cuốn “Đại Nam quốc sử diễn ca” xác định: “Làng Quỳnh là một làng văn học bậc nhất trong nước ta từ thời Lê Trung Hưng”. Bao đời nay, sự học ở làng Quỳnh luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, được nâng lên thành đạo học. Đạo học làng Quỳnh không phải vì mục đích “vinh thân phì gia” mà học để làm người, học để tu thân và rèn luyện theo giá trị đạo đức, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, liêm chính ái quốc, thương dân.

Từ làng Quỳnh đã có nhiều người phò vua giúp nước hoặc làm nghề dạy học. Việc dạy học không chỉ dạy học trò con em thường dân mà còn dạy cả vua và đào tạo tiến sỹ. Tiêu biểu là Nguyễn Tri Danh làm quan Sứ ty đô, dạy vua lúc mới lên ngôi; Hồ Sĩ Tôn, Dương Lễ thi Hội đỗ Tam trường không màng công danh đã mở trường dạy học, có học trò Hồ Phi Tích đậu tiến sỹ; Phan Hữu Tính thầy dạy của 7 tiến sĩ...

Đạo học làng Quỳnh bắt nguồn từ truyền thống giáo dục đặc biệt của làng. Ngoài hệ thống giáo dục trường học công lập, dân lập thì giáo dục gia đình ở làng Quỳnh đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ dạy con cái, anh em dạy bảo lẫn nhau, chú bác dạy con cháu... lâu dần trở thành truyền thống giáo dục ở Quỳnh Đôi.

Từ năm Bảo Thái thứ sáu đời Lê Dụ Tông (Ất Tỵ, 1725), ông Hồ Sĩ Tôn đã sưu tầm, khảo cứu để biên soạn cuốn sách “Quỳnh Đôi khoa danh trường biên”, liệt kê tương đối đầy đủ và chính xác tên, tiểu sử của từng người đỗ đạt qua các khoa thi theo trình tự thời gian, chung cho cả thi Hương và thi Hội.

Sau này các gia đình, dòng họ đã căn cứ vào đó mà rà soát lại, bổ sung. Văn hội của làng cứ theo thế mà tục biên. Về số lượng những người đỗ đại khoa ở Quỳnh Đôi theo các nguồn sử liệu cùng với gia phả các dòng họ ở Quỳnh Đôi, tính từ năm 1449 có người bắt đầu thi đỗ cho đến năm 1919, năm kết thúc khoa cử Nho học...

Về thi hương có đến 526 tú tài và 208 cử nhân với 963 lượt người thi đỗ ở 116 khoa thi, trong đó có 13 người đỗ giải nguyên; về thi hội có 4 phó bảng, 9 tiến sĩ, 2 hoàng giáp (Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống), 1 thám hoa (Dương Cát Phủ) và 1 bảng nhãn là Hồ Sỹ Dương (Đông Các thứ 2). Hầu như dòng họ nào, nhà nào đều có người đỗ đạt, nhất là họ Hồ.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, xã có 52 thạc sĩ, 55 tiến sỹ, 16 phó giáo sư, 5 giáo sư, 3 viện sỹ khoa học quốc tế, hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn nghệ sĩ. Nơi đây đã sinh ra cho đất nước 5 ủy viên BCH Trung ương Đảng, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 9 ĐBQH; 31 tỉnh ủy viên, nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tỉnh, huyện, quận trong cả nước.

Quỳnh Đôi là một làng cổ, mang đầy đủ những đặc trưng của văn hóa làng xứ Nghệ với bề dày lịch sử - văn hóa còn lưu giữ được. Hiện làng có 9 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích quốc gia như: đền Thần, đình làng, nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, đền thờ cụ Hoàng Khánh, nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, nhà thờ họ Dương, Cụm di tích quốc gia nhà thờ và mộ cụ Hồ Tùng Mậu - nhà cách mạng tiền bối cùng rất nhiều công trình gắn liền với tên tuổi của những con người Quỳnh Đôi như: bia tưởng niệm Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bia tưởng niệm Anh hùng LLVT Cù Chính Lan, đài tưởng niệm các liệt sĩ 1930-1931, vườn Xô viết…

Chúng tôi đến thăm khu Cụm di tích lịch sử quốc gia nhà thờ và mộ cụ Hồ Tùng Mậu, nhà cách mạng tiền bối đã kề vai sát cánh với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm tháng hoạt động ở nước ngoài. Trong buổi chiều tà, khu vườn đẹp với những rặng tre ngà uốn cong bỗng rộn ràng bởi những bước chân, những câu chuyện về lịch sử những năm đầu thế kỷ XX.

Các cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh chụp ảnh lưu niệm tại bia tưởng niệm nhà thơ Hồ Xuân Hương.

Chụp bức ảnh lưu niệm tại bia tưởng niệm nhà thơ Hồ Xuân Hương, danh nhân văn hóa thế giới, chúng tôi cùng đọc lại những câu thơ “để đời” vượt giới hạn không gian, thời gian của Bà chúa thơ Nôm thế kỷ XVIII đã đề cao nữ quyền, đòi được bình đẳng, khao khát tình yêu, hạnh phúc: “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”.

Đi bên cạnh tôi, bạn Đào Thị Thu đến từ Diễn Châu trầm trồ: “Làng đẹp quá! Mình học rồi dạy về Hồ Xuân Hương đã nhiều mà nay mới đặt chân đến quê hương của bà, trên mảnh đất của những người con họ Hồ trứ danh”.

Anh Lê Văn Toàn cũng chia sẻ: Tuy không phải người Quỳnh Đôi nhưng anh rất ngưỡng mộ truyền thống học hành khoa cử của làng. Những câu chuyện xung quanh làng Quỳnh phần lớn đều liên quan đến truyền thống học hành, khoa cử và được người Quỳnh Lưu truyền tụng như: câu chuyện con cá gỗ gắn với Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích; giếng cổ Bà Cả gắn với hình ảnh gánh nước trượt chân của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương; lớp học của cụ đồ Nghệ Dương Văn Khai, người thầy đầu của Thổ Đôi Trang; đền thờ các bậc khoa bảng; chuyện cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm và Bác Hồ đến thăm làng hơn 100 năm trước…

Người dân làng Quỳnh tái hiện câu chuyện “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”. (Ảnh: Tư liệu).

Hiện nay, các công ty du lịch trong tỉnh, trong nước đã chọn Quỳnh Đôi làm điểm đến trong các tour của mình và được rất nhiều du khách lựa chọn. Những con cá gỗ được dùng làm biển chỉ dẫn các tuyến du lịch của Quỳnh Đôi.

Trước khi rời Quỳnh Đôi, chúng tôi cùng chụp chung bức ảnh lưu niệm trước nhà thờ họ Hồ, thầm biết ơn các thế hệ tiền nhân làng Quỳnh đã tạc vào truyền thống khoa bảng xứ Nghệ những nét son chói sáng, góp phần to lớn vào sự nghiệp GD&ĐT nước nhà và sản sinh nhiều danh nhân, hiền tài rạng danh quê hương, đất nước.

Bùi Minh Huệ