Tự chủ bệnh viện ở Nghệ An (1): Gánh nặng ngân sách giảm cả ngàn tỷ đồng

13/12/2024 10:20
Tự chủ tài chính bệnh viện là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế. Tuy nhiên, để có thể đứng vững trong cơ chế tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện ở Nghệ An đang phải đứng trước nhiều thách thức không nhỏ.
Link nguồn bài viết
https://suckhoedoisong.vn/tu-chu-benh-vien-o-nghe-an-1-ganh-nang-ngan-sach-giam-ca-ngan-ty-dong-169241212094417351.htm
Truy cập link gốc
Nhiều bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh là một trong 8 đơn vị được ngành Y tế Nghệ An giao quyền tự chủ nhóm 2 (tự chủ tài chính với mức tự bảo đảm chi thường xuyên) từ năm 2017.

Sau 7 năm thực hiện cơ chế tự chủ, bệnh viện phát triển mạnh mẽ về cả quy mô và chất lượng.

Từ một cơ sở chỉ phục vụ người dân TP Vinh với 15 khoa, phòng và 220 giường bệnh, hiện nay bệnh viện không chỉ phục vụ TP Vinh mà còn mở rộng đến một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh.

Bệnh viện hiện có 43 khoa, phòng, 800 giường bệnh và đội ngũ 965 cán bộ, viên chức, trong đó có 275 bác sĩ. Số lượng bệnh nhân khám và điều trị hàng ngày đã tăng hơn 10 lần, trong khi số bệnh nhân nội trú tăng gấp 6 lần so với trước.

Hiện nay, ngoài các danh mục kỹ thuật tuyến 2, Bệnh viện thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Chất lượng bệnh viện đứng đầu trong hệ thống bệnh viện công lập ở Nghệ An.

Máy chụp cắt lớp vi tính 256 lát cắt tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh Nguyễn Hồng Trường, nhờ tự chủ nên có nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế.

"Bệnh viện mở rộng nhiều loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, quản lý sử dụng tốt nguồn nhân lực, thực hiện tốt việc tiết kiệm chi và tăng nguồn thu hợp pháp... Qua đó, đảm bảo chi trả lương, thu nhập tăng thêm ổn định cho cán bộ viên chức (trên 10 tỷ đồng/tháng), thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, bệnh viện tích lũy, trích lập được Quỹ phát triển sự nghiệp hàng năm trên 30 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm máy móc trang thiết bị, đào tạo nhân lực", ông Nguyễn Hồng Trường nói.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ cũng mang lại nhiều kết quả tích cực cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, cơ chế tự chủ đã giúp đơn vị chủ động trong việc tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nâng cao hiệu quả công tác.

"Bệnh viện có thể tự điều chỉnh các khoản thu - chi một cách hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính, góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, và từng bước vươn lên trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ", ông Hòa cho biết.

Theo Sở Y tế Nghệ An, việc thực hiện cơ chế tự chủ trong thời gian qua tạo ra những thay đổi rõ rệt đối với diện mạo của các bệnh viện công lập. Nhiều bệnh viện phát triển mạnh mẽ về cả quy mô và chất lượng, với cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cải cách thủ tục hành chính.

Đặc biệt, một số bệnh viện đã triển khai thành công nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, ngang tầm với các bệnh viện tuyến Trung ương, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến Trung ương, tuyến tỉnh. Chất lượng bệnh viện đứng đầu trong hệ thống bệnh viện công lập ở Nghệ An.

Ngoài ra, nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mới cũng được triển khai tại các bệnh viện, như can thiệp mạch, mổ tim hở, hỗ trợ sinh sản, ghép thận, ghép xương hàm, kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhân nặng nguy kịch, can thiệp mạch tạng, và nội soi nối thông lệ mũi.

Bệnh viện HNĐK Nghệ An, phối hợp với Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công việc hiến tạng từ người hiến chết não và thực hiện các ca ghép đa tạng (gan, thận, giác mạc, van tim, mạch máu...). Mới đây, Bộ Y tế cũng đã ra Quyết định công nhận Bệnh viện HNĐK Nghệ An đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy và ghép gan từ người hiến sống và người hiến chết não.

Nhiều bệnh viện chuyển từ tư duy "phục vụ" sang "cung ứng dịch vụ", từng bước nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã thực hiện tổ chức lại, sáp nhập, chia tách hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, để thành lập các đơn vị mới có hoạt động hiệu quả hơn. Các y, bác sĩ và nhân viên bệnh viện ngày càng nhận thức rõ hơn về tinh thần phục vụ người bệnh, với thái độ làm việc chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn.

Cũng theo thống kê của ngành Y tế Nghệ An, hiện có 1 đơn vị tự chủ mức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 18 đơn vị tự chủ mức tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); 18 đơn vị tự chủ mức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 9 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Số lượt khám chữa bệnh trong năm 2023 đã tăng 14,4% so với năm 2020, và số lượt điều trị nội trú cũng tăng thêm 136.206 lượt so với năm 2018.

Kết quả tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh cùng nhân viên y tế cho thấy điểm trung bình chung năm 2023 của các cơ sở khám chữa bệnh đạt 3,42 điểm (trong đó điểm cao nhất là 4,4 và thấp nhất là 2,7).

Tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú đạt 97,2%, trong khi tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân ngoại trú là 94,8%. Các chỉ số về thái độ ứng xử của nhân viên y tế, minh bạch trong thủ tục hành chính và khả năng tiếp cận dịch vụ đều có sự cải thiện rõ rệt và đạt tỷ lệ cao.

Giảm gánh nặng cho ngân sách

TS.BS Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp giảm chi trả lương cho 8.978 viên chức, người lao động từ nguồn ngân sách hàng năm, như năm 2023 là khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện cơ chế tự chủ các bệnh viện cũng có cơ hội sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hoạt động, phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc sử dụng có hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước giao, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, từ đó tăng nguồn thu.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho y tế thông qua việc hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Các y, bác sĩ nhanh chóng đưa vận chuyển các tạng đến các bệnh viện khác để ghép cho người bệnh theo điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Theo đó, tổng ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên giai đoạn 2018 - 2023 là 1.602,6 tỷ đồng, chiếm 7,3% trong tổng nguồn tài chính của các đơn vị.

Nguồn ngân sách trên cấp cho 16 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 giai đoạn 2018 - 2019 và 19 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 1, nhóm 3 giai đoạn 2020 - 2023 để sửa chữa, cải tạo nhà cửa, cơ sở vật chất. Từ năm 2020 - 2023, ngân sách cấp cho các đơn vị sự nghiệp y tế tăng lên là do chi trả chính sách cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đối với nguồn ngân sách chi thường xuyên giao tự chủ, ngân sách cấp giảm dần qua hàng năm và hiện nay chỉ cấp cho 6 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên (nhóm 3) gồm: Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm, Kiểm soát bệnh tật, Huyết học - Truyền máu, Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm, Giám định y khoa và Trung tâm Giám định pháp y.

Các y, bác sĩ chuẩn bị thực hiện việc lấy, ghép tạng ở Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Năm 2024, ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên là 212,1 tỷ đồng, chiếm 5,6% trong tổng nguồn tài chính của các đơn vị. Trong đó, chủ yếu cấp cho các đơn vị tự chủ nhóm 3 với số kinh phí là 114,38 tỷ đồng.

Cơ chế tự chủ khuyến khích các bệnh viện sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí, trích lập các quỹ của bệnh viện, góp phần tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tăng nguồn thu cho cán bộ công chức.

Giai đoạn năm 2018 đến năm 2023, đơn vị có mức chi trả thu nhập tăng thêm cao nhất là Bệnh viện HNĐK Nghệ An với mức chi trả bình quân là từ 7,1 triệu đồng đến 14,4 triệu đồng/người/tháng. Đối với 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị có mức chi trả thu nhập tăng thêm bình quân cao nhất là Bệnh viện Y học Cổ truyền (8,82 triệu đồng/người/tháng); tiếp đến là Bệnh viện Chấn thương (7,5 triệu đồng/người/tháng). Trong đó, người cao nhất là 37,7 triệu đồng/ tháng tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị ngày càng tăng giúp các bệnh viện chủ động trong công tác đầu tư, xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị mà không phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tổng giá trị chi Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp giai đoạn 2018 - 2023 là 990,9 tỷ đồng chiếm 5,9% trong tổng chi thường xuyên của các đơn vị.

Dù đạt được những thành quả nêu trên, nhưng theo bà Lê Thị Hoài Chung, trong khi các cơ sở y tế phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ, vừa thực hiện cơ chế tự chủ, vừa phải đảm bảo vấn đề an sinh xã hội trong công tác khám chữa bệnh, điều này gây khó khăn cho các cơ sở y tế.

(còn nữa)

Hoàng Trinh - Từ Thành