Trồng thành công giống sâm quý trên đất núi Nghệ An
15/11/2024 09:43
Sâu trong những cánh rừng già của Nghệ An, ẩn chứa những báu vật tự nhiên quý hiếm như sâm 7 lá 1 hoa, sâm Puxailaileng. Việc khám phá và phát triển những loài thảo dược này không chỉ mở ra một kho tàng dược liệu vô giá mà còn hứa hẹn mang lại một tương lai tươi sáng cho người dân vùng cao.
Link nguồn bài viết https://suckhoedoisong.vn/trong-thanh-cong-giong-sam-quy-tren-dat-nui-nghe-an-169241114205323132.htm
Truy cập link gốc
Khi phát hiện ra giá trị của giống sâm quý này trong rừng sâu, anh Xồng Tồng Ca ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) đã đưa sâm về trồng thử nghiệm trong những khu vườn gần nhà. Anh Ca cho biết, để đưa được giống sâm này trong rừng sâu về, mỗi đợt đi tìm anh phải mất mấy ngày lội rừng.
Đúng như tên gọi, cây này chỉ có 7 lá và 1 hoa. Khi cây ra đến lá thứ 7 cũng đồng nghĩa được 7 năm tuổi và bắt đầu thu hoạch. Mỗi cây chỉ có 1 củ, trọng lượng khoảng 700g đến 1kg.
Mô hình trồng sâm của người dân ở bản Phá Lõm.
Anh Ca đang phấn đấu trồng thêm sâm để phủ hết diện tích đất. "Hiện nay, người ta đến tận vườn thu mua 1 triệu đồng/kg củ tươi, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Đến nay, vườn sâm rộng 200 m2 của gia đình đang phát triển tốt.
Sâm này hợp với thổ nhưỡng ở đây, nên cứ trồng xuống là sống, không cần phân bón, vì nó sống tự nhiên như trong rừng sâu. Với bà con người Mông chúng tôi thì đây như là tiền trên trời rơi xuống, trời cho", anh Ca vui vẻ nói.
Từ mô hình của anh Xồng Tồng Ca đã có thêm bốn hộ dân khác thực hiện mô hình, đưa tổng diện tích trồng loại sâm này trên địa bàn xã lên gần 1.000 m2.
Thay vì nhân giống sâm từ hạt, người dân trong bản lặn lội vào rừng sâu tìm cây giống, nên rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây. Các hộ dân tự tìm cây giống, được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhân công và tiền giống theo quy định của dự án.
Cây sâm 7 lá 1 hoa trong vườn trồng ở huyện miền núi Kỳ Sơn.
Theo lời kể những người già trong bản, loài sâm này mọc sâu trong rừng và rất quý. Từ xa xưa, người dân đã sử dụng nó làm thuốc chữa đau bụng. Sau này, khi phát hiện ra công dụng tăng cường thể lực và chữa bệnh cao huyết áp, loài sâm này càng được nhiều người tìm kiếm. Nhiều năm qua, giống cây này ngày càng trở nên hiếm, có khi đi suốt cả ngày cũng chưa chắc tìm được một củ. Vì vậy, địa phương đã vận động người dân bảo tồn và nhân rộng giống cây quý này, hy vọng nó sẽ trở thành một nguồn sinh kế mới, giúp bà con thoát nghèo.
Những năm gần đây, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) đã mở ra hướng thoát nghèo mới nhờ trồng cây sâm 7 lá 1 hoa. Theo UBND huyện Kỳ Sơn, với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, đất đai màu mỡ và diện tích rừng rộng lớn, xã Tây Sơn có điều kiện lý tưởng để nhân rộng và trồng đại trà loài dược liệu quý này dưới tán rừng samu, pơmu.
Ngay khi phát hiện giống sâm quý này, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp nghiên cứu, hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cho bà con. Hiện tại, có 9 hộ dân ở xã Tây Sơn đang trồng thử nghiệm sâm 7 lá 1 hoa trên diện tích 7 héc ta.
Sâm Puxailaileng có thể nhân giống bằng mô tế bào.
Tại các huyện vùng cao Nghệ An, ngoài sâm 7 lá 1 hoa, còn có nhiều loài dược liệu quý như đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, lan thạch, hộc tía, hà thủ ô đỏ... đặc biệt là sâm Puxailaileng. Loài sâm này mọc trên đỉnh Puxailaileng, có độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất của dãy Bắc Trường Sơn, ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào. Các nhà khoa học đánh giá sâm Puxailaileng có chất lượng tương đương với sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum. Mới đây, lần đầu tiên sâm Puxailaileng đã được nhân giống từ mô tế bào, với tỷ lệ thành công khoảng 30%.
Theo người dân địa phương, nhiều năm trước, sâm Puxailaileng – một loại sâm quý hiếm thuộc họ Nhân sâm – được phát hiện ở vùng núi cao Puxailaileng, nơi có độ che phủ rừng lên đến hơn 80%. Tuy nhiên, hiện nay, sâm Puxailaileng trong tự nhiên ngày càng khan hiếm và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Vì vậy, việc phát hiện loài nhân sâm này trên vùng núi cao Puxailaileng đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Mẫu sâm được nhóm cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đem về phân tích đặc điểm nông sinh học, giá trị dược liệu, phương pháp nhân giống và trồng. Các mẫu sâm sau đó đã được đưa về trồng thử nghiệm tại xã Tây Sơn.
Theo kết quả phân tích, độ ẩm và lượng đường tự do của hai mẫu sâm Puxailaileng cao hơn so với sâm Ngọc Linh. Sâm Puxailaileng còn chứa các hợp chất saponin như Ginsenosid Rg1, Ginsenosid Rb1 và Majonosid R2 với mức độ khá cao. Tuy nhiên, sâm Puxailaileng hiện nay rất hiếm gặp trong tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, "Sâm Puxailaileng mọc trên núi Puxailaileng, được các nhà khoa học đánh giá có chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum.
Cây sâm Puxailaileng có khả năng nhân giống và phát triển tốt nếu được trồng ở những khu vực có khí hậu ôn đới mát mẻ, với độ cao từ 1.000m trở lên so với mực nước biển, như ở huyện Kỳ Sơn. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện trồng thử nghiệm ở xã Tây Sơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành nhân giống từ mô tế bào.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống trang trại thông minh tại thị xã Thái Hòa, nơi giống sâm Puxailaileng sẽ được trồng trong nhà kính. Mục tiêu là đánh giá tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng, phát triển, cũng như hàm lượng hoạt chất của cây sâm Puxailaileng, nhằm bảo tồn nguồn gen của loài cây dược liệu quý hiếm này và phát triển giá trị kinh tế cao".
Theo "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", sâm Puxailaileng của Nghệ An được xác định là đối tượng bảo tồn, gây trồng và phát triển quy mô thử nghiệm. Cũng trong khuôn khổ chương trình này, Nghệ An được lựa chọn là địa phương xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây sâm Việt Nam. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài sâm Việt Nam, đồng thời là một trong những địa phương được triển khai gây trồng và phát triển vùng sâm nguyên liệu.