Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc

28/11/2024 23:05
Thời gian qua, một số dịch bệnh đã phát sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bao gồm: dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng..., chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chuyên môn, tình hình dịch bệnh đã được khống chế kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Link nguồn bài viết
https://nhandan.vn/trien-khai-quyet-liet-dong-bo-cac-giai-phap-phong-chong-dich-benh-cho-gia-suc-post847346.html
Truy cập link gốc
Các ổ dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An chỉ còn 60 ổ dịch. (Ảnh QUANG AN)

Chặn dịch tả lợn châu Phi

Vào cuối tháng 8/2024, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại nhà anh Lương Văn Dậu, ở bản Xiêng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An), làm bảy con lợn nhiễm bệnh. Từ đó, dịch bệnh nhanh chóng lây lan sang 86 hộ ở hai bản Xiêng Nứa và Na Bón, gây thiệt hại nặng nề với 279 con lợn bị chết và phải tiêu hủy, tổng trọng lượng lên đến hơn 17 tấn.

Chủ tịch UBND xã Yên Na Vi Thanh Tùng cho biết: Chăn nuôi lợn là nguồn thu nhập lớn của người dân Yên Na, thiệt hại do dịch bệnh gây ra là khá lớn, ước tính khoảng một tỷ đồng. Ngay khi phát hiện ổ dịch, địa phương đã nhanh chóng báo cáo cấp trên và triển khai các biện pháp phòng ngừa. Xã lập ba chốt kiểm soát dịch, giám sát, cách ly và khoanh vùng các gia súc mắc bệnh, tiêu hủy gia súc theo đúng quy định và tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Cũng như Yên Na, một số địa phương khác trong vùng dịch bệnh thuộc huyện Tương Dương cũng triển khai khoanh vùng, dập dịch, không để lan rộng.

Tiêu hủy lợn bị dịch ở xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. (Ảnh QUANG AN).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến nay, tỉnh đã thống kê được 249 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 20/21 huyện, thị xã, thành phố, khiến 10.468 con lợn (tương đương 1% tổng đàn lợn) phải tiêu hủy, với trọng lượng hơn 542 tấn.

Từ đầu tháng 8 đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, như: Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quế Phong, Quỳ Hợp… Trong đó, một số huyện miền núi bị thiệt hại nặng nề như Anh Sơn với gần 4.000 con lợn phải tiêu hủy, chiếm khoảng 1/3 tổng số lợn tiêu hủy trong toàn tỉnh; Tương Dương khoảng 1.300 con...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 8/8/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-UBND, Công điện khẩn số 43 vào ngày 30/10, và mới đây là Chỉ thị số 45/CT-UBND ngày 15/11, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi một cách quyết liệt và đồng bộ.

Lãnh đạo tỉnh cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã cử đoàn công tác đến các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Cùng với đó, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, các địa phương đã báo cáo lên cấp trên và triển khai công tác phòng chống dịch cấp bách, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Các địa phương đã lập chốt kiểm soát dịch 24/7, thực hiện giám sát chặt chẽ, không để lợn bệnh ra khỏi khu vực; tiến hành cách ly, khoanh vùng các ổ dịch và tiêu hủy các gia súc mắc bệnh, chết theo đúng quy định.

Các địa phương cũng tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chung quanh để hạn chế sự lây lan. Các cơ quan chức năng động viên người dân chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn khỏe. Nhờ sự triển khai quyết liệt, đến ngày 19/11, toàn tỉnh Nghệ An chỉ còn 66 ổ dịch tả lợn châu Phi, trong đó 15 ổ dịch đã qua 16 đến 21 ngày...

Ngoài dịch tả lợn châu Phi, Nghệ An cũng phải đối mặt với các bệnh nguy hiểm khác trên đàn gia súc như viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên trâu, bò. Tỉnh hiện có khoảng 800.000 con trâu, bò, chiếm khoảng 10% tổng đàn trâu, bò cả nước. Chăn nuôi trâu, bò đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của nhiều hộ nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống các loại bệnh này. Đến nay, Nghệ An chỉ còn một ổ dịch viêm da nổi cục ở xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, với ba con bò mắc bệnh, trong đó một con bê nặng 76 kg đã phải tiêu hủy. Ngoài ra, bệnh lở mồm long móng, mặc dù tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có 57 con trâu, bò ở thị xã Thái Hòa và huyện Tân Kỳ mắc bệnh. Hiện nay, Nghệ An không còn ổ dịch lở mồm long móng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm ở động vật. Theo đó, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên động vật và trên người trong năm 2024 diễn biến phức tạp, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Tiên phong với vaccine - Giải pháp phòng bệnh hiệu quả

Theo Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh phát sinh là do chăn nuôi gia súc vẫn còn nhỏ lẻ, các hộ nông dân chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Mầm bệnh tồn lưu trong môi trường chăn nuôi, trong khi công tác tiêu độc khử trùng chưa được thực hiện thường xuyên. Một yếu tố quan trọng nữa là tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh, khiến dịch bệnh dễ bùng phát. Một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thiếu nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, cũng như việc tái đàn và vận chuyển, tiêu thụ động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và lây lan. Thêm vào đó, giá lợn tăng cao khiến người dân có xu hướng tái đàn, tăng đàn, và công tác quản lý đàn vật nuôi vẫn còn lỏng lẻo. Nguy cơ dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao.

Để đối phó với tình hình này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có chỉ thị yêu cầu các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Các phòng, trung tâm cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã phải chủ động giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan.

Một nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của người nuôi về nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Người chăn nuôi cần chủ động mua vaccine để tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đồng thời các địa phương phải ưu tiên bố trí kinh phí mua vaccine và tiêm phòng đồng bộ theo chỉ đạo của cơ quan thú y.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống, chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp tăng đàn, tái đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đồng thời, tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; dự trù kinh phí mua vaccine, bảo đảm tiêm phòng đồng bộ cho đàn gia súc tại các địa phương. Nghệ An sẽ tiếp tục chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp, trang trại, kết hợp với chăn nuôi theo chuỗi giá trị để tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi ■

THÀNH CHÂU