Tổng Bí thư Trần Phú trong tâm thức người dân Hà Tĩnh

22/03/2024 05:46
Đã 93 năm kể từ khi đồng chí Trần Phú đi xa nhưng niềm tự hào và lòng biết ơn dành cho Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng vẫn còn lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân Hà Tĩnh, trở thành động lực xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/tong-bi-thu-tran-phu-trong-tam-thuc-nguoi-dan-ha-tinh-post263436.html
Truy cập link gốc
Những ngày này, mọi ngả đường dẫn về xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) đều rực rỡ cờ hoa hướng đến kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú. Trong không khí đất trời chan hòa, lòng mỗi người Hà Tĩnh dù ở quê nhà hay đi xa càng thêm tưởng nhớ, tri ân nhà cách mạng hết lòng vì nước, vì dân.

Một góc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) nhìn từ trên cao.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông là con trai thứ tư của ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Năm 1908, khi đang làm quan tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), trước sự đàn áp Nhân dân của thực dân Pháp, ông Trần Văn Phổ đã tự vẫn tại huyện đường, phản đối và chứng minh tấm lòng yêu nước, thương dân. Sau khi ông Phổ chết, hai mẹ con bị đuổi ra khỏi huyện đường, ông được người dì ruột đem ra Huế nuôi ăn học.

Tháng 9/1922, sau khi thi đỗ đầu kỳ thi Thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo học, dạy lớp nhất tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh (còn được gọi là Trường Cao Xuân Dục) ở TP Vinh, Nghệ An. Tại đây, ông đã góp công đào tạo được một thế hệ học trò có văn hóa, yêu nước và sau này trở thành những chiến sỹ cách mạng nổi tiếng như: Nguyễn Thị Minh Khai, Siêu Hải, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Nhuận…

Trường Pháp - Việt Vinh là nơi đồng chí Trần Phú từng dạy học. Ảnh tư liệu

Năm 1925, đồng chí Trần Phú cùng một số người Việt Nam yêu nước sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng rồi Tân Việt cách mạng Đảng. Sau khi hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, từ một thanh niên trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú trở thành một chiến sỹ cộng sản chân chính.

Tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) và đề ra Luận cương chính trị của Đảng. Tại hội nghị, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, khi vừa 26 tuổi.

Hình tượng đồng chí Trần Phú được khắc họa trong vở ca kịch "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh dàn dựng, năm 2020.

Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Bằng nhiều thủ đoạn, hình thức tra tấn, kẻ thù vẫn không thể làm lung lay chí khí người chiến sỹ cộng sản kiên trung. Trong ngục tù, đồng chí Trần Phú tiếp tục tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, nêu cao tấm gương sáng trong đấu tranh; luôn căn dặn đồng chí, đồng đội giữ vững tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Ngày 6/9/1931, vừa bước qua tuổi 27, đồng chí Trần Phú hy sinh. Trước khi ra đi, đồng chí để lại lời hiệu triệu bất hủ cho các đồng chí của mình và muôn đời sau: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Bia mộ đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ).

Năm 1999, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú từ Công viên Lê Thị Riêng (TP Hồ Chí Minh) về an táng tại quê hương Tùng Ảnh. Tuy quãng đời hoạt động không dài nhưng những đóng góp của đồng chí Trần Phú cho sự nghiệp cách mạng dân tộc vô cùng to lớn, nhất là những ngày đầu khi Đảng vừa mới ra đời.

Tổng Bí thư Trần Phú là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Ông Trần Văn Ngũ trong một lần về thăm quê ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh.

Ông Trần Văn Ngũ (SN 1947, quê xã Tùng Ảnh) hiện sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ: “Càng đến gần lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, tôi càng thêm nóng lòng mong muốn trở về quê hương để thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên hương linh vị tiền bối cách mạng. Dẫu khi chúng tôi sinh ra, đồng chí đã đi xa nhưng qua những lời kể của ông bà, cha mẹ, chúng tôi luôn cảm thấy hình bóng Tổng Bí thư như một vị tiền bối trong dòng tộc, quê hương mình. Và chúng tôi cũng luôn trao truyền niềm tự hào, biết ơn đó đến các thế hệ con cháu”.

Được biết, ông Ngũ từng có hàng chục năm cống hiến trong quân đội và sau đó chuyển sang công tác ở UBND tỉnh Yên Bái, nay đã nghỉ hưu. Dù ở xa nhưng ông luôn hướng về quê hương. Năm 2019, ông cùng một số người bạn của mình lập ra trang fanpage Người Tùng Ảnh - Đức Thọ và Làng Khoa bảng Đông Thái thu hút hơn 8.000 người theo dõi. Các trang fanpage không chỉ đăng các bài viết giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử, danh nhân Tùng Ảnh nói chung và đồng chí Trần Phú nói riêng, mà qua đó ông còn kêu gọi, vận động những người con Tùng Ảnh ở xa đóng góp xây dựng quê hương. Trong đó, tiêu biểu là việc ông đã vận động được gần 1 tỷ đồng để góp sức xây dựng cổng làng Đông Thái và tu bổ một số công trình tại quê nhà.

Cổng làng Đông Thái (Tùng Ảnh).

Là một người nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu lịch sử, đặc biệt có nhiều công trình, bài viết về đồng chí Trần Phú, bà Trương Quế Phương - nguyên cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Tuy đồng chí Trần Phú không sinh ra và lớn lên tại quê cha Hà Tĩnh nhưng dòng máu Nghệ Tĩnh đã hun đúc nên một nhà cách mạng với chí khí kiên trung, bất khuất, hết lòng vì nước, vì dân. Có lẽ điều đó khiến trong tâm thức người dân quê hương núi Hồng - sông La, đồng chí Trần Phú luôn luôn gần gũi, yêu mến, tự hào.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi tình cảm của người dân Hà Tĩnh dành cho đồng chí Trần Phú khi Đảng và Nhà nước tổ chức di dời hài cốt đồng chí về an táng tại quê hương Tùng Ảnh. Trong buổi sáng ngày 12/1/1999, hàng nghìn người dân đã xếp hàng dài trên đường chào đón đoàn đưa rước hài cốt của đồng chí Trần Phú trong niềm vui còn chan hòa cả nước mắt, như đón người thân trở về”.

Khu mộ đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Ảnh: Đình Nhất.

Là diễn viên trẻ được giao nhiệm vụ thể hiện hình tượng đồng chí Trần Phú trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, anh Công Mạnh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh) không giấu nổi niềm xúc động: “Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào và xúc động khi được tin tưởng giao vai diễn nhân vật Tổng Bí thư Trần Phú. Vì vậy, ngoài sự cố gắng tìm tòi để thể hiện tốt nhất hình tượng đồng chí Trần Phú, tôi muốn thông qua vai diễn bày tỏ tình cảm, niềm tự hào, sự ngưỡng mộ và biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay dành cho nhà cách mạng kiên trung, bất khuất của dân tộc”.

Diễn viên Công Mạnh cùng bạn diễn Thanh Nguyên trong một cảnh của vở ca kịch "Đi qua ngày giông bão". Vở diễn đạt huy chương bạc tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022.

Những ngày này, mang trong tâm thức mình sâu nặng lòng biết ơn, niềm tự hào về những đóng góp mà Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng dành cho quê hương, dân tộc, người dân Hà Tĩnh thêm hăng hái thi đua lao động sản xuất trên ruộng đồng, công trình, nhà máy. Những phần việc đó như một sự tri ân, đền đáp công lao, đức hy sinh to lớn của bậc tiền nhân đã dành cho dân tộc.

Thiên Vỹ