Tiếp tục tìm những giá trị mới của Truyện Kiều

15/12/2024 15:39
Các tham luận tại hội thảo do Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều (Hà Tĩnh) tổ chức đã cho thấy nhiều giá trị mới về tác phẩm văn học kinh điển.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/tiep-tuc-tim-nhung-gia-tri-moi-cua-truyen-kieu-post279194.html
Truy cập link gốc
Chủ trì hội thảo.



Hội thảo có sự tham dự của nhiều học giả hàng đầu trong và ngoài nước.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu bày tỏ cảm ơn đến các GS.TS đầu ngành, các nhà nghiên cứu từ nước ngoài và trong cả nước đã dành thời gian về tham dự hội thảo. Đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực của Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều đã tổ chức một hội thảo ý nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tới các đại biểu một số kết quả nổi bật về tình hình chính trị, AN-QP, kinh tế -xã hội của Hà Tĩnh thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu chào mừng.

Cùng với sự phát triển chung, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả. Tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình, lễ kỷ niệm quy mô lớn như: Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, 110 năm Ngày sinh Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng, Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" và sắp tới là lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...

Đại thi hào Nguyễn Du là danh nhân đầu tiên của quê hương Hà Tĩnh được UNESCO vinh danh, di sản Nguyễn Du trong đó có Truyện Kiều là kho báu quý giá của nhân loại. Với những giá trị to lớn, thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực phát huy giá trị của Truyện Kiều, nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Sắp tới, Hà Tĩnh sẽ xây dựng dự thảo Đề án "Phục hồi, phục dựng, bảo tồn và phát huy di sản các danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du và Lê Hữu Trác". Đồng thời, năm 2025, Hà Tĩnh sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 260 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu mong muốn các nhà nghiên cứu, tại hội thảo và thời gian tới sẽ có nhiều nỗ lực nghiên cứu về Truyện Kiều cũng như những di sản của Nguyễn Du, nhằm phục vụ cho việc phát huy di sản của Đại thi hào hiệu quả hơn nữa.

Đề dẫn hội thảo, ông Hà Văn Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều nhấn mạnh: Với mong muốn phát huy hơn nữa giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều, Hội thảo khoa học “Truyện Kiều – Những giá trị vượt thời gian” mong muốn tiếp tục tìm tòi những giá trị mới, nét nghĩa khác qua những góc nhìn, phát hiện mới mẻ về giá trị của Truyện Kiều - tác phẩm kinh điển của văn học dân tộc.

Ông Hà Văn Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều phát biểu đề dẫn hội thảo.

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị tiêu biểu của Truyện Kiều” do Sở KH&CN Hà Tĩnh đặt hàng cho Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều. Sau quá trình gửi thư mời, hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước tham gia viết tham luận và tham dự hội thảo. Trong đó, có nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong giới học thuật cả nước như: GS.TS Phong Lê, GS.TS Trần Đình Sử, GS.TS Trần Nho Thìn, GS.TS Lê Mạnh Thát, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Trần Thị An, TS, dịch giả Trương Hồng Quang (Cộng hòa Liên bang Đức)...

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận với hàm lượng khoa học cao. Điều đó thể hiện sức hút và tầm ảnh hưởng rất lớn của chủ đề hội thảo đặt ra.

Tiến sỹ Trương Hồng Quang (CHLB Đức) trình bày tham luận: "Những giá trị xuyên thời đại giữa kịch thơ “Faust” của Johann Wolfgang von Goethe và Truyện Kiều của Nguyễn Du".

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm nội dung chính về những giá trị vượt thời gian của Truyện Kiều nhìn từ các góc độ: giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, đời sống xã hội. Các tham luận đưa ra những khám phá mới, góc nhìn mới mẻ về giá trị của Truyện Kiều như: "Những giá trị xuyên thời đại giữa kịch thơ “Faust” của Johann Wolfgang von Goethe và Truyện Kiều của Nguyễn Du" của Tiến sỹ Trương Hồng Quang; "Truyện Kiềuvới những đóng góp quan trọng trong việc thống nhất, nhất thể hóa nền văn học toàn dân tộc" của GS.TS Trần Nho Thìn (Đại học Quốc gia Hà Nội); "Những phát hiện mới về Nguyễn Du và Truyện Kiều sau khi được UNESCO tôn vinh (từ 2015 đến nay) của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học Việt Nam); GS.TS Thiền sư Lê Mạnh Thát với ý kiến về nhận thức mới trong mối tương quan giữa Truyện Kiều với các giá trị Phật học...

GS.TS Thiền sư Lê Mạnh Thát trình bày ý kiến về nhận thức mới trong mối tương quan giữa Truyện Kiều với các giá trị Phật học

Tổng kết hội thảo, GS.TS Trần Nho Thìn thay mặt chủ trì bày tỏ cảm ơn đến các nhà nghiên cứu, đại biểu đã gửi tham luận cũng như trực tiếp về tham dự, tham gia trình bày tham luận, phát biểu ý kiến tại hội thảo. Sau một buổi diễn ra sôi nổi, hội thảo đã đạt được nhiều thành công, với nhiều tham luận, ý kiến, góp phần làm sáng tỏ thêm những giá trị, mang lại nhận thức mới về Truyện Kiều trên các phương diện như: giá trị tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật và đời sống.

GS.TS Trần Nho Thìn tổng kết hội thảo.

Kết quả hội thảo lần này là cơ sở để Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều (Hà Tĩnh) có những tham mưu, đề xuất lên các cấp, ngành nhằm tìm hướng đi hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy di sản Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều thời gian tới.

Thiên Vỹ