Thú thưởng thức vị chè đâm độc đáo, tốt cho sức khỏe chỉ có ở xứ Nghệ

31/12/2024 14:39
Chè đâm là đặc sản của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Lá, cành chè được ngắt ra cho vào cối giã nhuyễn, đến khi cảm nhận được đầu chày sự mịn, dính của chè mới ngừng. Sau đó, lọc sạch bã, lấy nước cốt, pha thêm nước sôi.
Link nguồn bài viết
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thu-thuong-thuc-vi-che-dam-doc-dao-tot-cho-suc-khoe-chi-co-o-xu-nghe-172241231093807835.htm
Truy cập link gốc
Nếu có dịp đến huyện miền núi Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), thực khách không nên bỏ qua chè đâm - thức uống lạ từ tên gọi cho đến nguyên liệu kết hợp và hương vị vô cùng đặc biệt khi thưởng thức. Đây là loại chè dùng lá, cành chè xanh cho vào cối giã nhuyễn, sau đó lọc sạch bã, lấy nước cốt, pha thêm nước sôi là trở thành thứ nước uống nổi tiếng vùng Tây Bắc xứ Nghệ đem lại một cảm giác vô cùng thú vị cho người thưởng thức.

Nhiều người mới uống sẽ cảm giác lạ miệng, khó uống nhưng với những người dân xứ Nghệ, càng uống lại càng nghiện.

Khi đâm chè phải sử dụng cả lá và cành thì chè mới không nát, nước cốt mới giữ được màu xanh và mùi thơm đặc trưng.

Bị hấp dẫn bởi "danh tiếng" của thức uống độc đáo, vào cuối tháng 12, chúng tôi ngược lên huyện Quỳ Hợp, dừng chân tại một quán nước ven hồ Thung Mây. Không ai bảo ai, gọi ngay những bát chè đâm để cùng thưởng thức.

Chị Vũ Thị Châu - chủ quán chè đâm bên hồ Thung Mây cho biết, theo tiếng Thái, chè đâm còn được gọi là "chè tắm". Chè đâm có nguồn gốc từ sinh hoạt của người dân tộc Thái bản địa. Ngày xưa, khi cuộc sống của người Thái chủ yếu là du mục trên những sườn đồi, sống gần gũi với thiên nhiên, săn bắt và hái lượm.

Thời kỳ đầu, họ thường vào rừng bóc vỏ cây và hái lá rừng về giã để đun uống. Khi cây chè xuất hiện và được đưa vào đời sống của, người Thái bắt đầu dùng chè để giã và nấu nước uống. Dần dần, chè đâm trở thành một thức uống quen thuộc, không thể thiếu của người dân vùng đất này.

Sau khoảng 10 phút, giã xong một mẻ chè, dùng đũa đánh đều bã chè cho hòa tan vào nước.

Trong các loại nước uống từ chè xanh, nước chè đâm là công phu nhất. Để có được bát chè ngon, màu xanh tươi đẹp, người hái chè phải chọn những nhánh chè lá dày, không bị đỏ ngọn và không bị khuất nắng. Sau đó, nhẹ tay rửa chè để lá không bị dập. Chè phải được đâm khi còn ướt, để đảm bảo chất lượng, lá chè phải được cắt ra, bao gồm cả lá và cành, mới đạt yêu cầu. Chè sau khi được lựa chọn kỹ, rửa sạch, đưa vào cối giã. Quá trình giã sẽ được chế thêm nước đun sôi để nguội và đá lạnh nhằm giữ hương vị, màu sắc. Sau khoảng 10 phút, quá trình giã hoàn thành, đến công đoạn pha chế.

Theo chị Châu, chè đâm phải sử dụng loại chè cổ, giống bản địa, không phải là chè công nghiệp. Quá trình chăm sóc chè không được bón phân hóa học hay dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cây chè trên 30 năm tuổi, trồng ở vị trí thoáng nắng sẽ cho vị ngon nhất. Chè phải được thu hoạch và sử dụng trong ngày, không để qua đêm mới giữ được hương vị ngon nhất khi đâm.

"Uống chè đâm ăn cùng với kẹo cu đơ thì ngon không gì sánh bằng. Khi uống chè đâm phải ngồi nhâm nhi từng ngụm, thả hồn vào tách chè rồi thư giãn và cảm nhận như cách uống trà đạo của người Nhật Bản mới thấy được hương vị đặc trưng của chè đâm", chị Châu chia sẻ.

Chè được giã nhuyễn trước khi hòa nước, lọc bỏ bã.

Ở thị trấn Quỳ Hợp, chị Châu không phải là người duy nhất bán chè đâm. Mặc dù đều chế biến từ lá, cành chè xanh giã nát nhưng mỗi nhà lại có bí quyết riêng, đảm bảo hương vị thơm, ngon, đậm đà, đặc trưng nhất.

Quán nước bên hồ Thung Mây của gia đình ông Nguyễn Văn Yến là địa chỉ quen thuộc không chỉ với người dân bản địa cũng như du khách. Ông Yến mua chè từ người dân trong vùng, khi có khách, ông hái một nắm cành, lá chè, cho vào cối gỗ, rồi dùng chiếc chày nặng 3,5 kg giã mạnh tay để lấy nước cốt.

Ông Yến giải thích: "Giã chè phải nhanh và dứt khoát, như vậy nước mới ra nhiều. Nếu ai không quen thì rất khó làm, lá chè sẽ bay ra ngoài cối, nước bắn tung tóe, khiến sản phẩm không đạt yêu cầu." Quá trình giã chè phải dùng nước mưa đun sôi để nguội, pha loãng rồi cho vào cối cùng với chè. Nếu sử dụng nước giếng hay nước máy, chè sẽ bị đỏ và không giữ được màu xanh ngọc đặc trưng.

Ông Yến với chiếc chày nặng 3,5kg dùng giã chè.

Sau khoảng 10 phút, ông Yến hoàn thành một mẻ chè, dùng đũa khuấy đều bã chè cho hòa tan vào nước. Sau đó, hỗn hợp chè được lọc để lấy nước cốt, bỏ bã.

Nước chè đâm đạt chất lượng sẽ có màu xanh ngọc đặc quánh. Tùy theo sở thích hoặc thời tiết, khách có thể chọn uống nước chè nóng hoặc nguội. Công thức pha thường là 3 sôi, 2 lạnh. Nếu không uống hết, chè có thể được cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.

Chè đâm được ông Yến đóng vào chai nhựa 500 ml, bán với giá 10.000 đồng mỗi chai. Mỗi ngày, gia đình ông bán được từ 40 đến 50 chai. Vào mùa hè, nhu cầu giải khát tăng cao, có những ngày ông bán hơn 100 chai, thu về tiền triệu.

Chè đâm khi uống ban đầu hơi đắng chát, nhưng đọng lại sau cùng là vị ngọt nơi đầu lưỡi.

"Nước chè đâm nên được sử dụng trong ngày, cần bảo quản nơi thoáng mát để giữ được hương vị tốt nhất. Việc giã chè cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn để tạo ra sản phẩm chất lượng. Thứ nước giải khát độc đáo này mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình tôi", ông Yến nói.

Huyện Quỳ Hợp hiện có hàng trăm hộ dân làm nghề bán nước chè đâm, tập trung quanh hồ Thung Mây tại thị trấn Quỳ Hợp và các xã như Thọ Hợp, Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái... Nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng chè trong vườn và trang trại, không chỉ để làm nước uống mà còn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chè đâm trong vùng.

Từ chỗ là đặc sản của người Thái, đến nay chè đâm trở nên phổ biến, là một trong những thức uống nổi tiếng của huyện Quỳ Hợp.

Nước chè đâm đạt chất lượng sau khi lọc xong phải có màu xanh ngọc.

Chị Nguyễn Châu Giang (thị trấn Quỳ Hợp) cho biết, chè đâm là thức uống giải khát mà chị và các thành viên trong gia đình sử dụng hàng ngày, bất kể mùa đông hay mùa hè.

"Chè đâm khi uống ban đầu hơi đắng chát, nhưng đọng lại sau cùng là vị ngọt nơi đầu lưỡi. Không chỉ là thức uống giải khát, nước chè đâm còn có tác dụng giải rượu rất hiệu quả. Với những người nghiện chè đâm, có thể uống 2-3 bát vào buổi sáng khi chưa ăn gì để tỉnh táo rồi mới bắt tay vào công việc. Có người bị đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, pha thêm mật mía hoặc đường trắng với chè đâm uống vào thấy khỏe hẳn," chị Giang chia sẻ.

Theo người dân địa phương, uống nước chè đâm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đem lại sự tỉnh táo sau những giờ làm việc căng thẳng. Bên cạnh đó, việc uống chè đâm thường xuyên còn có tác dụng ngăn ngừa sâu răng và giảm nhiệt miệng hiệu quả.

Ngày nay, không chỉ người Thái mà nhiều người Kinh và các dân tộc khác ở huyện Quỳ Hợp cũng đã học cách làm chè đâm để uống hàng ngày. Thức uống đặc biệt này còn được những người con dân tộc Thái miền Tây Bắc Nghệ An mang theo, có mặt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực của nhiều nơi.

Hoàng Trinh