Tháng Năm giữa khung trời xứ Nghệ

19/05/2024 06:08
Về thăm Làng Sen quê Bác trong sắc nắng của khung trời xứ Nghệ, từng cảnh sắc quê hương, từng kỷ vật liên quan đến vị Cha già dân tộc dần hiện lên thật gần gũi, thân thương.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/thang-nam-giua-khung-troi-xu-nghe-post266712.html
Truy cập link gốc
Tháng Năm về thăm quê hương Bác Hồ.

Lối dẫn vào ngôi nhà của gia đình Bác là hàng dâm bụt phủ dày, xanh ngát - loài hoa dân dã, thân thuộc gắn liền với những câu chuyện xúc động về Người. Năm 1957, lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ bôn ba tìm đường cứu nước, Bác mới có dịp về thăm quê hương. Ngày trở về, Bác vẫn nhớ như in từng góc nhà, từng cảnh vật và hàng dâm bụt thân quen. Rặng dâm bụt từ đó đã được trồng lại theo ý nguyện của Người. Và hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, con đường ấy, rặng cây ấy đã đón không biết bao nhiêu bước chân của du khách muôn phương về thăm.

Vượt quãng đường xa xôi, các thành viên đoàn khách người dân tộc Mường ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) không giấu nổi cảm xúc khi lần đầu được đến nơi đây. Ông Bùi Văn Kiên (SN 1967) cùng vợ chăm chú lắng nghe từng lời thuyết minh của hướng dẫn viên, ngắm nghía không rời từng kỷ vật đã gắn bó với tuổi thơ, cuộc đời của Bác. Ông Kiên chia sẻ: “Từ nhỏ đến lớn chúng tôi luôn ấp ủ một tình yêu, sự biết ơn sâu sắc với công ơn trời biển của Bác Hồ đối với Tổ quốc, với đồng bào các dân tộc thiểu số nhưng vì điều kiện xa xôi cách trở, đến tuổi này, chúng tôi mới được đến thăm quê hương của Người. Tôi thật sự xúc động, thỏa một đời ước nguyện!”.

Dòng người về thăm quê nội Bác Hồ.

Tình cảm đó của ông Kiên có lẽ cũng là ý nguyện chung của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp dải đất hình chữ S bởi sinh thời, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp đoàn kết các dân tộc. Người luôn nhất quán quan điểm rõ ràng, trước sau như một: “Nước ta là một đất nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp…”.

Trên lối về quê Bác hôm nay, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn khách là những em bé lứa tuổi mầm non. Gương mặt ngây thơ, ánh mắt trong veo và nụ cười hồn nhiên, các em vui mừng, háo hức nghe hướng dẫn viên kể chuyện thời thơ ấu của Bác Hồ. Sau buổi thuyết minh, như một sự bày tỏ lòng kính yêu, tưởng nhớ, các bạn nhỏ đồng thanh cất tiếng hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…”.

Có lẽ, kỷ niệm về thăm quê Bác hôm nay sẽ theo các em đến mãi sau này, để khi lớn lên, các em nhận thức, hiểu biết hơn về lịch sử, về nguồn cội và phấn đấu học tập, luyện rèn làm rạng danh non sông, gấm vóc như Bác Hồ hằng mong ước.

Tượng Bác Hồ đặt tại Nhà trưng bày Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Trong dòng người về thăm quê hương của Bác, không chỉ có cháu con đất Việt từ muôn phương mà còn có những du khách đến từ các quốc gia trên thế giới. Họ đến đây để tìm hiểu, để biết thêm về một con người mà tài năng, nhân cách và sự nghiệp đã vang danh khắp năm châu. Trên hành trình tìm đường cứu nước vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cách nhìn mới về thế giới, về mối liên hệ giữa Việt Nam và các nước. Người đã vượt qua những hạn chế mang tính lịch sử của các bậc tiền bối để hướng ra bên ngoài, gắn kết sự nghiệp cứu nước của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp cách mạng trên thế giới.

Những giá trị về tư tưởng, nhân văn, đạo đức và nhân cách của Người có sức lôi cuốn và lan tỏa mãnh liệt, trở thành ngọn cờ của phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội ở khắp thế giới. Năm 1987, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Sau sự kiện trọng đại này, các quốc gia thành viên của UNESCO cũng đã ra nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó là minh chứng rõ nhất cho sự ghi nhận, kính trọng của lãnh đạo, người dân các nước đối với những đóng góp to lớn và tài năng, nhân cách của Bác Hồ.

Anh Aiden Jade Smith đến từ đất nước Nam Phi chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên đặt chân đến thăm quê hương của vị danh nhân văn hóa nổi tiếng: “Tôi đã được biết nhiều đến danh tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến thăm quê hương của ông. Tôi rất ấn tượng với cảnh quan và những gì được lưu giữ nơi đây. Chuyến đi này không chỉ giúp tôi biết thêm về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là dịp để tôi tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa, con người quê hương ông”.

Những hiện vật được bảo tồn nguyên vẹn phục vụ khách tham quan. Ảnh tư liệu.

Trải qua thời gian, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, những hiện vật ở quê nội Kim Liên, quê ngoại Hoàng Trù vẫn được bảo tồn nguyên vẹn để phục vụ du khách đến tham quan. Kia mái nhà tranh đơn sơ, hồ sen thơm mát, giếng Cốc rêu phong bên những con ngõ dẫn vào nhà hàng xóm; đây bộ trường kỷ, chiếc võng đưa nôi, khung cửi người mẹ tần tảo Hoàng Thị Loan vẫn ngồi dệt vải, ru con trong điệu ví, giặm ngọt ngào… Tất cả đều gợi lên trong tâm tưởng du khách gần xa hình bóng của Người.

Góp công sức, tâm huyết để gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn các di tích, hiện vật của gia đình Bác, đưa những câu chuyện về Bác đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước là những cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Chị Trần Thị Thao - hướng dẫn viên khu di tích chia sẻ: “Tôi tự hào khi sinh ra, lớn lên ở Làng Sen, Kim Liên và càng tự hào hơn khi đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc kể chuyện về Bác Hồ. Mỗi ngày trong suốt ngần ấy năm, chúng tôi được tiếp các đoàn khách về với quê Bác, cảm nhận được lòng kính yêu của người dân dành cho Bác, càng cảm thấy yêu mến, tự hào về công việc mà mình đang làm”.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Trong dịp hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2024), dòng người về với Khu Di tích Kim Liên vẫn không ngừng tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 4/2024, khu di tích đã đón 5.418 đoàn với hơn 138 nghìn lượt người đến tham quan, tưởng niệm; trong đó, có 43 đoàn khách đến từ 19 quốc gia trên thế giới.

Ngoài hoạt động tham quan, tưởng niệm, du khách khắp mọi miền cũng được hòa mình vào Lễ hội Làng Sen với nhiều hoạt động ý nghĩa do tỉnh Nghệ An tổ chức. Chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Làng Sen nuôi chí lớn” cũng đã được tổ chức tại 2 điểm cầu làng Hoàng Trù (xã Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An) và Trường THPT Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế), được tiếp sóng bởi 43 đài PT-TH trong cả nước.

Rời Làng Sen khi ánh chiều buông, đi trên những con đường rực rỡ cờ hoa, quyện trong hương thơm của những đài sen thanh khiết, lòng tôi lại bồi hồi vang lên câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Clip: Tháng Năm về thăm quê Bác.

Kiều Minh - Đình Nhất