Nhờ xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm mật mía truyền thống của xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) luôn đắt khách và được giá, mang về nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.
Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/tet-som-tai-lang-mat-mia-noi-tieng-cua-ha-tinh-post278537.html
Truy cập link gốc
Thời điểm này, làng mật mía hơn 50 năm ở xã Thọ Điền (Vũ Quang) lại đỏ lửa ngày đêm để cho ra những mẻ mật thơm ngon, chất lượng phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Những năm gần đây, nhờ chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu nên mật mía của địa phương luôn đắt khách.
Chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: "Những ngày này, HTX phải làm việc hết công suất để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi ép được khoảng 4 - 5 tấn mía tươi, tương đương nấu được khoảng 400 lít mật thương phẩm. Dù vậy, tôi vẫn lo không đủ hàng để trả khách dịp Tết do nhu cầu thị trường ngày càng cao".
Nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao nên mật mía của HTX làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó, với mức giá từ 65 - 70 nghìn/lít (tương đương 1,4kg). Như dịp Tết năm ngoái, chúng tôi tiêu thụ được hơn 30 tấn mật.
Người dân xã Thọ Điền tích cực thu hoạch mía để kịp sản xuất mật cung ứng thị trường cuối năm.
Theo người dân nơi đây, nghề ép mật mía trên địa bàn xã đã tồn tại và phát triển hơn 50 năm nay. Hiện, toàn xã còn khoảng 100 hộ giữ nghề truyền thống này.
Anh Nguyễn Văn Dũng (thôn 1, xã Thọ Điền) cho biết: "Gia đình tôi gắn bó với nghề ép mật mía đã hơn 30 năm. Những năm gần đây, nhờ có máy móc hỗ trợ nên việc sản xuất mật thuận lợi và năng suất hơn nhiều. Bình quân mỗi vụ Tết, tôi xuất bán được khoảng 1,5 tấn mật, mang về nguồn thu khá cho gia đình".
Đang đều tay bên mẻ mật nóng hổi, chị Thái Thị Hải Yến ở thôn 1 (xã Thọ Điền) chia sẻ: "Cứ vào dịp này hằng năm, gia đình tôi lại tất bật với công việc sản xuất mật mía. Tính ra nghề làm mật hiện nay không vất vả như ngày xưa mà thu nhập cao khá ổn nên gia đình luôn yên tâm gắn bó và không ngừng quảng bá sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook... để mở rộng thị trường tiêu thụ".
Với kinh nghiệm chế biến mật mía lâu năm, chị Yến cho biết, muốn mật ngon phải đứng canh chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi thì vớt váng, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy, có màu đen và không được thơm ngon. Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật.