Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh chưa đạt kỳ vọng

14/12/2024 14:23
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ngành kinh tế của Hà Tĩnh vẫn đối diện với nhiều khó khăn, khiến cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh này năm 2024 chưa đạt kế hoạch...
Link nguồn bài viết
https://vneconomy.vn/tang-truong-kinh-te-ha-tinh-chua-dat-ky-vong.htm
Truy cập link gốc
Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Tại kỳ họp thứ 23 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh, đạt 7,48%. Quy mô nền kinh tế đạt mức 113.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp của tỉnh này còn khó khăn nhưng đang dần phục hồi khi tăng trưởng toàn ngành sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh đạt 6,54%.

Thu ngân sách cả năm 2024 của Hà Tĩnh ước đạt 17.900 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, tương đương năm trước. Trong đó, Hà Tĩnh thu nội địa đạt 9.600 tỷ đồng, đạt 119% dự toán, bằng 105% năm trước; thu xuất nhập khẩu đạt 8.300 tỷ đồng, đạt 88% dự toán, bằng 95% năm trước.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của tỉnh Hà Tĩnh tăng khá, ước đạt 55.524 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2023.

Giải ngân đầu tư công đến ngày 20/11/2024 của Hà Tĩnh đạt 5.819 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 61,5% kế hoạch tỉnh giao, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cũng theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh năm 2024 chưa đạt kế hoạch, chất lượng lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất ở một số địa phương tại tỉnh này chưa cao. Công tác giải phóng mặt bằng một số nơi còn vướng mắc. Thu hút đầu tư vào khu kinh tế Cầu Treo, các khu, cụm công nghiệp còn gặp không ít khó khăn…

Toàn cảnh kỳ họp

Nguyên nhân được chỉ ra do nền kinh tế tuy có bước phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, thị trường, nguồn lực và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn chịu nhiều ảnh hưởng.

Một số quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai vẫn còn những chồng chéo, chưa được tháo gỡ. Số lượng vụ việc tồn đọng nhiều, xử lý một số tồn đọng qua các thời kỳ còn vướng mắc do thiếu căn cứ, quy định cụ thể của pháp luật.

Thêm nữa, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương tại Hà Tĩnh chưa quyết liệt. Một số sở, ngành tại tỉnh này phối hợp thực thi nhiệm vụ chưa hiệu quả, còn đùn đẩy, né tránh, chưa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ thiếu tâm huyết, trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục hiệu quả.

Tại phiên họp nhiều đại biểu đã đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Cụ thể, theo đại biểu Đặng Văn Thành (Kỳ Anh), Hà Tĩnh cần chú trọng thu hút đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm sẽ tạo “đòn bẩy” để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025. Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác kết nối doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo chuỗi liên kết, nhất là nhóm ngành chế biến sâu sản phẩm thép, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và chế biến nông lâm thủy hải sản.

Để tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần đưa địa phương phát triển về mọi mặt, đại biểu Đặng Trần Phong cho rằng, tỉnh cần có cơ chế chính sách phù hợp như tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn đọng, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, đôn đốc các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy (Hương Sơn), Hà Tĩnh cần quan tâm phát triển Khu kinh tế với các giải pháp như: Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đến năm 2045. Quan tâm, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu…

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh