Link nguồn bài viết https://congluan.vn/quang-binh-ha-tinh-khan-truong-ung-pho-nguy-co-ap-thap-nhiet-doi-manh-len-thanh-bao-post312885.html
Truy cập link gốc
Thông tin nhanh về áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hướng vào miền Trung nước ta, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: “Sáng nay (18/9), ATNĐ di chuyển chậm lại, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Trong 24h tới, nhiều khả năng ATNĐ mạnh lên thành bão. Hướng di chuyển chủ yếu của ATNĐ theo hướng Tây, khi mạnh lên thành bão, ATNĐ sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc vào các tỉnh đất liền miền Trung".
Quảng Bình cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu tránh trú an toàn Quảng Bình ra lệnh cấm biển từ 0 giờ ngày 19/9
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó. Theo đó, Quảng Bình cấm biển từ 0 giờ ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Đồng thời, triển khai các phương án "4 tại chỗ" phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các ngành phối hợp Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, các huyện, thị, thành phố ven biển thông báo cho các tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển nắm được thông tin, đường đi của áp thấp nhiệt đới. Đồng thời tổ chức kiểm đếm tàu hàng, tàu cá, đặc biệt là các loại thuyền nan, thuyền nhỏ đang hoạt động trên biển. Tỉnh này đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, các kè biển, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2... chủ động đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động.
Theo ghi nhận, sáng 18/9 tại cửa biển Nhật Lệ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện gió, các ngư dân bắt đầu đưa tàu thuyền vào âu tàu Nhật Lệ, âu tàu Cửa Phú, để tránh trú bão. Ở những vùng biển còn lại tại các huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) ngư dân cũng đang tời, kéo tàu thuyền có công suất nhỏ lên bờ để tránh sóng lớn đánh hư hỏng.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đang phân công lực lượng đi kiểm tra, rà soát 74 điểm sạt lở núi khu dân cư, trong đó 8 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.
Ứng phó với tình hình áp thấp nhiệt đới, nguy cơ mưa lũ trên diện rộng, ngoài lực lượng nòng cốt là Quân đội, Biên phòng và Công an, tỉnh Quảng Bình đã thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai với hơn 12.000 người tại 151 xã, phường, thị trấn. Lực lượng này có nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền. Ngoài ra, Ban Chỉ huy các cấp còn huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, tình nguyện viên, lực lượng dự bị để tham gia hỗ trợ người dân trong mưa bão.
Hà Tĩnh nhanh tay ứng phó với mưa bão
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh đang tích cực thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 17/9, trên địa bàn xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Trước nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã yêu cầu tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra.
Đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện), Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các chủ đập cần theo dõi diễn biến mưa lũ, cân đối nguồn nước và chủ động xả sớm để đón lũ, vừa đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du.
Huyện Kỳ Anh đã kêu gọi 624/624 tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn Theo ghi nhận tại huyện Kỳ Anh và TX. Kỳ Anh. Đây là hai địa phương được dự báo là các địa bàn nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp có thể mạnh lên thành bão tại Hà Tĩnh. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, địa phương đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Theo đó, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xẩy ra gió mạnh, sóng lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lũ; tùy theo diễn biến thời tiết và mức độ ảnh hưởng, chủ động tổ chức sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi, triển khai lực lượng tổ chức rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra gió mạnh, sóng lớn, ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu.
Cùng đó, chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thời gian mưa lũ kéo dài. Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: ngầm qua suối, đường bị ngập sâu.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão trong thời gian tới, các hộ dân trồng đào, mai tại huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh đang gấp rút triển khai các giải pháp chằng chống, cắt tỉa cành nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Lốc xoáy làm 12 ngôi nhà tốc mái ở Hà Tĩnh
Sáng 18/9, ông Lê Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), cho biết địa phương này vừa xảy ra lốc xoáy do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
ốc xoáy làm tốc mái nhà dân tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh Theo đó, từ tối 17/9, địa phương này xảy ra mưa dông, mưa lớn cục bộ. Đến khoảng 1h ngày 18/9, lốc xoáy xuất hiện khiến 12 nhà dân tại thôn Nam Sơn bị tốc mái, hư hại, rất may không có thiệt hại về người. Trận lốc xoáy cũng khiến khoảng 200 cây xanh trồng tại rừng phòng hộ ven biển xã Thịnh Lộc gãy đổ.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp hiện trường.
Trần Phong