Phổ biến đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 - 2030 tỉnh Hà Tĩnh

13/12/2024 13:18
Hội nghị đã phổ biến các thông tin về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 - 2030 đến các địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/pho-bien-de-an-nong-nghiep-huu-co-giai-doan-2024-2030-tinh-ha-tinh-post279103.html
Truy cập link gốc
Sáng 13/12, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) tổ chức hội nghị phổ biến Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030 cho các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tham gia hội nghị tập huấn có gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý tại các huyện, thành phố, thị xã; cơ sở sản xuất tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ trên địa bàn và đại diện các doanh nghiệp liên kết chế biến, thu mua sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Thọ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030” với mục tiêu tạo giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp tuần hoàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển. Việc ban hành đề án cũng phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030 được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành kèm theo Quyết định số 1216 ngày 15/5/2024. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2.500 ha. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ khoảng 2% trên tổng sản phẩm chăn nuôi với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như: mật ong, nhung hươu, thịt các loại. Diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tổng diện tích nuôi tôm, sản phẩm chủ yếu là tôm sú. Qua đó góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao.

Đại diện Công ty Cổ phần Tập Đoàn Quế Lâm (Tập Đoàn Quế Lâm) thông tin một số kết quả về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ do doanh nghiệp triển khai ở Hà Tĩnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, đề án nhấn mạnh một số nhiệm vụ đó là: hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị để nhân ra diện rộng; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp; tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ;...

Tại hội nghị, các đại biểu đã được đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) giới thiệu các nội dung trọng tâm của đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 – 2030; báo cáo tóm tắt kết quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ năm 2024; thông tin kết quả sản xuất của một số mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Đại diện HTX Nông nghiệp CHOA (huyện Hương Khê) chia sẻ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận những khó khăn và giải pháp để thực hiện hiệu quả đề án trong thời gian tới. Các vấn đề như quy trình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ; hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; việc thực hiện chứng nhận sản phẩm hữu cơ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm hữu cơ… cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Hội nghị đã góp phần nâng cao kiến thức về sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao trong thời gian tới.

Thái Oanh