Link nguồn bài viết https://vietnamnet.vn/nhung-dong-ho-hieu-hoc-o-dat-hoc-ha-tinh-2347253.html
Truy cập link gốc
Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh đã có 148 vị đại khoa. Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai có 13 người con trai đều đỗ đạt; cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đều đỗ Trạng nguyên đời Trần. Các làng Trường Lưu (Can Lộc), Đông Thái (Đức Thọ), Tiên Điền (Nghi Xuân), Ích Hậu, Thạch Châu (Lộc Hà)... đều là những ngôi làng khoa bảng nổi danh.
Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có các gia đình, dòng họ mang truyền thống hiếu học, khoa bảng. Đó là dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân) với các tên tuổi nổi danh như: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản; dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu được sử sách lưu danh bởi một gia tộc 4 đời: Nguyễn Huy Tựu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ; hay dòng họ Phan Huy cũng nổi tiếng với ông Phan Huy Ích đỗ Tiến sĩ, con trai của ông là nhà thơ Phan Huy Chú... Các dòng họ này đã đóng góp cho nước nhà nhiều danh nhân khoa bảng, hiền tài.
Nhà thờ gốc của dòng họ Phan Huy làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, Hà Tĩnh.Theo số liệu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh, tính đến nay, có gần 800 giáo sư, phó giáo sư là người Hà Tĩnh. Họ đều là những nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực. Trong 13 năm trở lại đây, có khoảng 250 người Hà Tĩnh được phong giáo sư, phó giáo sư.
Truyền thống đất học Hồng Lam ngày càng được tiếp nối và phát triển. Nhiều gương mặt mới làm nổi danh “đất học” Hà Tĩnh là: Trịnh Kim Chi - Huy chương Vàng Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương, Lê Nam Trường - Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế; Võ Anh Đức, Phan Nhật Duy - Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế; Phan Xuân Hành, Đinh Cao Sơn - Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế; Trần Minh Hoàng - Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế…
Ngoài ra, còn nhiều học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, đạt thủ khoa các kỳ thi, được vào các trường đại học danh tiếng của thế giới và rất nhiều giáo sư, tiến sĩ có những phát minh khoa học được ứng dụng vào thực tiễn.
Cùng với “nội lực”, điều khiến các thế hệ người Hà Tĩnh phấn đấu không mệt mỏi cho con đường học hành chính là sự động viên của gia đình, dòng họ, sự cổ vũ của toàn xã hội. Tỉnh có các quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm hỗ trợ con em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; hành trình nâng bước tới trường với học sinh vùng sâu, vùng xa đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Việc tôn vinh, khuyến khích sự học và đạo học đã tạo nên một xã hội học tập.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh, đến nay tỉnh này có gần 5.600 dòng họ thành lập ban khuyến học. Việc gây quỹ đã trở thành nề nếp, trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân.
Hàng năm, các dòng họ đều có các hoạt động vinh danh, phát thưởng cho con cháu có thành tích học tập tốt. Trung bình mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh trên toàn tỉnh được nhận quà khuyến học từ các dòng họ trước thềm năm học mới. Nhờ vậy, qua bao thế kỷ, mạch nguồn hiếu học đất Hồng Lam vẫn chảy mãi và ngày càng dồi dào, không bao giờ vơi cạn.