Link nguồn bài viết https://baohatinh.vn/nhom-hang-luong-thuc-thuc-pham-chiem-gan-nua-tong-doanh-thu-ban-le-o-ha-tinh-post280582.html
Truy cập link gốc
Năm 2024, ngành thương mại - dịch vụ được đánh giá là điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế của tỉnh. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất cũng như đời sống của người dân. Thị trường bán lẻ càng về cuối năm càng sôi động.
Nhóm hàng lương thực - thực phẩm năm 2024 có doanh thu đạt 33.312 tỷ đồng, cao nhất trong tổng mức bán lẻ. Số liệu thống kê, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Hà Tĩnh đạt hơn 69.760 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nhóm hàng bán lẻ, có 9 nhóm hàng tăng trưởng dương (chiếm trên 89% tổng mức chung). Trong đó, nhóm lương thực - thực phẩm đạt hơn 33.312 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47,8% trong tổng doanh thu bán lẻ và tăng đến 22,8% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng khác có doanh thu cao và tăng trưởng so với năm trước như: đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 8.619 tỷ đồng, tăng 25%; hàng may mặc đạt 4.418 tỷ đồng, tăng 30%; xăng dầu các loại đạt 7.206 tỷ đồng, tăng 4%; kim loại, đá quý đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 32%; hàng hóa khác 3.639 tỷ đồng, tăng 28%...
3 nhóm hàng có doanh thu giảm sâu so với năm trước là: nhóm ô tô con (giảm 35,8%), phương tiện đi lại (giảm 31,4%) và nhóm gỗ, vật liệu xây dựng (giảm 7,8%).
Doanh thu hàng may mặc năm 2024 đạt 4.418 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2023. Năm 2025, ngành Công thương Hà Tĩnh đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ tăng 15% so với năm 2024. Theo đó, các giải pháp được xác định tập trung là: tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối giao thương cho sản phẩm của tỉnh; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số; khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ thực hiện các chương trình kích cầu; theo dõi chặt chẽ nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng…
N.L