Nhiều gói tín dụng 'giá hời' phục vụ khách hàng thời điểm cuối năm

05/11/2024 15:10
Nhu cầu đầu tư, mua sắm dịp cuối năm gia tăng cùng sự ổn định về mặt bằng lãi suất cho vay, các 'nhà băng' Hà Tĩnh kỳ vọng đây sẽ là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/nhieu-goi-tin-dung-gia-hoi-phuc-vu-khach-hang-thoi-diem-cuoi-nam-post276671.html
Truy cập link gốc
Năm 2024, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID – 19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo đó, nhu cầu mua sắm phục vụ tiêu dùng của người dân nhìn chung giảm so với các năm trước. Bởi vậy, tín dụng lĩnh vực tiêu dùng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng theo đó “gặp khó”. Tính đến đầu tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt 17.233 tỷ đồng, giảm 2,18% so với cùng kỳ.

Tín dụng tiêu dùng của BIDV Hà Tĩnh hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ.

Với mục tiêu thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng đó, chỉ đạo các TCTD tiếp tục chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung và lĩnh vực cho vay đời sống, tiêu dùng hiệu quả, thực chất.

Mới đây nhất, NHNN Việt Nam ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD đã bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Khách hàng chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp và đảm bảo khả năng trả nợ là có thể được giải ngân. Đây được cho là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Minh Sâm - Phó Trưởng phòng Khách hàng cá nhân II, BIDV Hà Tĩnh cho biết: “Cho vay tiêu dùng là một trong những lĩnh vực mà BIDV luôn đẩy mạnh với nhiều giải pháp nhằm bổ sung nguồn vốn phục vụ nhu cầu đời sống của người dân, qua đó kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp những khó khăn.

Từ 1/9/2024, Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, qua đó góp phần kích cầu thị trường ô tô Hà Tĩnh những tháng cuối năm.

So với các năm trước, năm 2024, tín dụng tiêu dùng của ngân hàng tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Tuy vậy, những tháng cuối năm này, nhu cầu vay vốn phục vụ mua đất, mua nhà, xây nhà, sửa nhà, mua ô tô… đã có chiều hướng gia tăng nên kỳ vọng dư nợ tiêu dùng sẽ tăng trưởng tích cực. Tín dụng tiêu dùng của BIDV Hà Tĩnh hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Từ nay đến cuối năm, BIDV tiếp tục chủ động hỗ trợ khách hàng các giải pháp trong tiếp cận vốn vay, “chạy” lãi suất cho vay cạnh tranh phục vụ tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 5,9 -8,5%/năm (tùy vào thời hạn vay)”.

Vietcombank Hà Tĩnh cũng đang tập trung nâng cao dư nợ lĩnh vực tiêu dùng với nhiều giải pháp được ưu tiên như: tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn…

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Chi nhánh đang triển khai gói cho vay phục vụ mua xe ô tô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm; cho vay mua đất, xây nhà, sửa nhà chỉ từ 6,3%/năm và khung lãi suất này áp dụng cố định trong thời gian 2 năm... Tính đến thời điểm này, dư nợ tiêu dùng của chi nhánh đạt gần 1.800 tỷ đồng và quyết tâm tăng trưởng khoảng 450 tỷ đồng từ nay đến ngày 31/12/2024”.

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh.

Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh như: HDBank, SHB, ACB, Techcombank… cũng đang nỗ lực tăng trưởng dư nợ giai đoạn cuối năm, trong đó xác định tín dụng tiêu dùng là “mảnh đất tiềm năng” khi nhu cầu đầu tư của người dân có xu hướng gia tăng.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, vừa qua, SHB chính thức nâng quy mô gói tín dụng “Vay ưu đãi – Rồng phát tài” từ 29.000 lên 43.000 tỷ đồng nhằm giúp khách hàng đẩy nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng vay tiêu dùng những tháng cuối năm. Đối tượng khách hàng được áp dụng ưu đãi là các cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc các nhu cầu đời sống khác như mua nhà đất, mua xe ô tô, xây dựng/sửa chữa nhà ở, mua sắm đồ đạc… đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định hiện hành của NHNN và của SHB.

Theo đó, tùy theo nhu cầu thực tế và khả năng tài chính, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất chỉ từ 6,39%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 5,79%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. SHB cũng cố định lãi suất cho khách hàng trong 5 năm đầu tiên với mức lãi suất ưu đãi thấp nhất là 9,39%/năm...

Techcombank cũng triển khai gói tín dụng với lãi suất khá cạnh tranh, hạn mức cho vay cao và thời gian cho vay dài với chỉ từ 5 - 11%/năm (cho vay có tài sản đảm bảo).

Thị trường bất động sản khu vực thành phố, thị trấn "ấm lên" đã tạo cơ hội để tín dụng tiêu dùng tăng trưởng.

Ông Lê Văn Thái (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy lãi suất cho vay của các ngân hàng trên địa bàn thời gian qua tương đối “mềm” và khá ổn định nên vợ chồng tôi đã quyết định vay thêm 600 triệu đồng để đầu tư xây ngôi nhà mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Hiện nay, ngoài việc giảm lãi suất, các TCTD trên địa bàn còn triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp như: nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; cải cách, rút gọn các thủ tục hành chính, giải ngân dòng tiền nhanh chóng; cung cấp các giải pháp tài chính, tài trợ tín dụng theo chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến… Qua đó, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận tiện, nhanh chóng góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa.

Thu Phương