Link nguồn bài viết https://daidoanket.vn/nghich-ly-nuoc-sach-nong-thon-10294642.html
Truy cập link gốc
Nhà máy nước Vĩnh Lộc thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh “đắp chiếu” nhiều năm nay. Ảnh: HN.Khát nước sạch bên nhà máy nước
Những năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) thiếu nước sạch để sinh hoạt, mặc dù trên địa bàn đã được đầu tư nhà máy nước khang trang, hiện đại. Người dân đáng lý được hưởng lợi từ chính sách đầu tư của Nhà nước và đóng góp của bản thân nhưng thực tế không như thiết kế.
Nhà máy nước Tiến Lộc được hoàn thành đưa vào sử dụng vào giữa năm 2012 với tổng kinh phí đầu tư trên 9,5 tỷ đồng, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy được bàn giao cho Hợp tác xã (HTX) Nước sạch Tiến Lộc. Thiết kế dự án đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân xã Tiến Lộc cũ.
Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, dự án hoạt động ì ạch. Hiện nay, nhà máy chỉ cung cấp đủ nước cho các hộ dân ở gần là tổ dân phố (TDP) Sơn Thịnh và một phần nhỏ TDP Hồng Quang, với khoảng 200 hộ dân. Hơn nữa, lượng nước bơm cũng rất hạn chế và nước chảy rất yếu. Vì thế, các hộ dân ở các TDP này gần như phải sử dụng nước mưa là chính.
Hầu hết người dân ở các TDP Vĩnh Phong, K130, Nam Hà… của thị trấn Nghèn phải xây dựng các bể chứa để tích nước mưa, nếu hết thì bà con lại dùng xe kéo và can nhựa, thùng nhựa đến bể nước máy công cộng tại trung tâm thị trấn Nghèn để lấy nước về dùng. Một số hộ đào giếng khơi, khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Ông Trần Đình Nhâm (TDP Vĩnh Phong, thị trấn Nghèn) cho biết: Khi nhà máy nước được xây dựng xong, chúng tôi rất phấn khởi vì nghĩ rằng từ nay sẽ được dùng nước sạch, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe. Tuy nhiên, từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi chỉ được dùng nước sạch hơn 1 tuần, sau đó không còn được cấp nước nữa. Vì vậy, bà con phải quay lại dùng nước giếng để tắm giặt và nước mưa để ăn uống.
Cán bộ vận hành Nhà máy nước Tiến Lộc thừa nhận, từ khi vận hành nhà máy cho đến nay, do hệ thống máy yếu nên không thể đẩy nước đến nhiều khu vực. Mặt khác, hệ thống đường ống thường xuyên bị vỡ, hư hỏng trong khi nguồn kinh phí nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì không có nên hoạt động của nhà máy rất khó khăn và cầm chừng. Thời điểm hiện nay, cứ 3-4 ngày mới tiến hành bơm cấp nước một lần. Tổng số hộ dân mà nhà máy có thể cấp nước chỉ khoảng hơn 200 hộ.
Cũng tại huyện Can Lộc, năm 2009, Nhà máy nước sạch Phúc Giang tại thôn Phúc Giang, xã Vĩnh Lộc (nay là Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) được đầu tư xây dựng với nguồn vốn 6 tỷ đồng. Hai năm sau, công trình hoàn thiện, đưa vào hoạt động, hứa hẹn cung cấp nước sạch cho khoảng 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu tại 4 thôn: Đại Bản, Phúc Giang, Thượng Triều và Hạ Triều (xã Khánh Vĩnh Yên). Tuy nhiên, theo người dân, nhà máy hoạt động được khoảng 6 năm thì máy móc bị hư hỏng và bỏ hoang từ đó. Vì vậy, hàng nghìn người dân sống trong cảnh thiếu nước sạch ngay cạnh nhà máy nước sạch.
Tại xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), công trình cấp nước sinh hoạt của xã cũng chung tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm liền, trong khi nhu cầu dùng nước sạch của người dân đang rất bức thiết. Năm 2009, công trình cấp nước sinh hoạt xã Đức Lạng được xây dựng, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, công suất thiết kế 540m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 300 hộ dân trên địa bàn các thôn Sơn Quang, Tiến Lạng, Minh Lạng.
Đến 2011, dự án hoàn thành bàn giao cho UBND xã quản lý, vận hành. Tuy nhiên, nhà máy hoạt động được khoảng 3 tháng, sau đó hư hỏng liên tục, nước cấp cho người dân lúc có, lúc không. Từ năm 2018 đến nay, công trình bất động, trở thành đống sắt vụn nằm phơi nắng, phơi mưa. Ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết: “Công trình hoạt động không hiệu quả không chỉ ảnh hưởng việc tiếp cận nước sạch của người dân mà còn là nguyên nhân khiến xã chưa thể đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Bên trong Nhà máy nước tập trung ở xã Khánh Vĩnh Yên, hệ thống máy móc “đứng bánh”.Công trình cấp xã quản lý hiệu quả kém
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và 14 hệ thống đấu nối từ công trình cấp nước đô thị. Các công trình này được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc UBND xã quản lý. Trong đó, 7 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành; 17 công trình UBND cấp xã giao HTX và cộng đồng tự quản lý; 1 công trình do doanh nghiệp quản lý, vận hành. Riêng 14 hệ thống đấu nối từ công trình cấp nước đô thị, Công ty cổ phần cấp nước Hà Tĩnh quản lý 12 mạng lưới và UBND cấp xã quản lý 2 mạng lưới.
Theo đánh giá của ngành chức năng Hà Tĩnh, các công trình do doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, nhìn chung hoạt động tương đối hiệu quả bởi đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, tính chuyên nghiệp cao, thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm soát chất lượng nước, thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những sự cố hỏng hóc. Đơn vị tự chủ về tài chính, huy động được nguồn lực để đầu tư phát triển đảm bảo bền vững công trình.
“Tuy nhiên, công trình do UBND xã quản lý hoặc giao HTX và cộng đồng tự quản lý (17 công trình và 2 hệ thống mạng lưới đấu nối từ công trình cấp nước đô thị) hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động. Việc quản lý, vận hành công trình còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao, dẫn đến tổ chức quản lý vận hành không ổn định, công trình phát huy hiệu quả kém và thiếu bền vững”, trích đánh giá, rà soát của cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ nói: “Nhà máy giao xã quản lý không ổn, phải có doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn vận hành. Như trước đây giao cho xã, xã giao một người dân vận hành theo kinh nghiệm chứ chuyên môn họ không có. Hơn nữa, tự hoạch toán kinh doanh, hầu như xã phải bù lỗ nên không có nguồn sửa chữa, bảo dưỡng, dẫn đến hiệu quả thấp”.
Hoang tàn ở nhà máy nước sạch Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh).Theo Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, về lâu dài, những công trình đang giao cấp xã quản lý cần bàn giao cho đơn vị có chuyên môn vận hành. Còn những công trình xây dựng mới phải tính toán, thiết kế đầu tư đồng bộ, lựa chọn nguồn nước đầu vào đảm bảo đến hệ thống máy móc xử lý, đường ống đến tận hộ dân.
Phân tích nguyên nhân công trình cấp nước tập trung do UBND cấp xã, HTX dịch vụ quản lý hiệu quả kém, ông Trần Mạnh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho rằng, cán bộ cấp xã, HTX dịch vụ hầu hết kiêm nhiệm, không chuyên trách. Trong khi, trình độ công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn; trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố chưa đáp ứng yêu cầu. Giá tiêu thụ nước thấp, chưa được tính đúng, tính đủ; công tác bảo vệ, quản lý, khai thác vận hành, hoạch toán kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu nên thu không đủ bù chi, từ đó nguồn tái duy tu, bảo dưỡng công trình hàng năm không có, dẫn đến công trình xuống cấp nhanh. Ngoài ra, nguồn nước thô tại một số công trình không ổn định và chất lượng không đảm bảo.
Ghi nhận của PV, đối với việc xây dựng nhà máy nước tập trung, chính quyền cơ sở ở Hà Tĩnh mong muốn, song song với việc lựa chọn đơn vị đảm bảo năng lực chuyên môn quản lý, vận hành sau đầu tư thì ngay từ khi lập dự án, cần giao cho chủ đầu tư đảm bảo năng lực về kỹ thuật, chuyên môn, tránh tình trạng thi công dự án “lỗi” từ đầu.
Trong số 25 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung do UBND cấp xã, HTX quản lý, hiện có 3 dự án ngừng hoạt động là công trình cấp nước xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ), xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) và công trình cấp nước Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên). 8 công trình hoạt động cầm chừng, gồm: công trình tại xã Kim Lộc, Vĩnh Lộc, Tiến Lộc (huyện Can Lộc); Bắc Sơn (huyện Thạch Hà); Hương Trạch, Hương Liên (huyện Hương Khê) và Thọ Điền, Quang Thọ (Vũ Quang).
HẠNH NGUYÊN