Ngã ba Đồng Lộc, 10 bông hoa bất tử

07/11/2024 05:53
56 mùa xuân đã đi qua, nhưng câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) tại Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn luôn được nhắc đến như một khúc tráng ca bất tử.
Link nguồn bài viết
https://baolamdong.vn/du-lich/202411/nga-ba-dong-loc-10-bong-hoa-bat-tu-cb92af6/
Truy cập link gốc
Toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn tại tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Lúc bấy giờ, biết đây là vùng trọng điểm có vai trò quan trọng, là nơi chi viện của hậu phương ra tiền tuyến nên đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng không quân với một lượng bom đạn khổng lồ đánh phá quyết liệt, hòng hủy diệt mảnh đất này.

Theo các tư liệu để lại, trong những năm chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Những năm 1964 - 1972, nơi đây bị đánh phá liên tục và năm 1968 là ác liệt nhất. Chỉ tính riêng trong 240 ngày đêm, từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống ngã ba nhỏ hẹp này 43.600 quả bom, trong đó có 6.000 quả bom từ trường và bom nổ chậm.

Với tinh thần “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, quân và dân Hà Tĩnh đã cùng cả nước dồn sức người, sức của quyết tâm giữ vững Đồng Lộc, giữ vững huyết mạch giao thông. Các lực lượng TNXP, giao thông vận tải, công an, bộ đội pháo binh, dân quân và Nhân dân địa phương đã ngày đêm bám sát địa bàn, vượt qua mưa bom bão đạn, mất mát đau thương, đánh trả máy bay địch, cứu xe, cứu đường, lập công xuất sắc.

Di ảnh 10 nữ TNXP

Trong số đó, có 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 - đây là một trong những đơn vị chủ lực đảm nhận nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường sau các đợt ném bom của máy bay địch. Chiều ngày 24/7/1968, lượt ném bom thứ 15, một tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom dữ dội nhằm thẳng mục tiêu nơi các chị đang làm đường phía dưới. Mười cô gái không còn cách nào khác đã cùng nhau lánh tạm vào một căn hầm gần nhất bên đường, đợi cho máy bay đi qua sẽ tiếp tục làm cung đường còn lại. Bỗng một loạt bom rơi, đánh sập hầm và tất cả bị vùi lấp. Hầm sập, cả 10 cô gái ấy đã ngã xuống khi tuổi đời còn xuân xanh và vẫn chưa ai lập gia đình.

Để ghi nhớ công ơn và đánh dấu những chiến công lẫy lừng của các anh hùng trẻ tuổi tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tiểu đội 10 cô gái TNXP. Đến ngày 9/12/2013, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Theo thời gian, nơi được mệnh danh là “tọa độ chết” ngày ấy, nay đã trở thành “địa chỉ đỏ”, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Vẫn còn vẹn nguyên những câu chuyện lịch sử vẻ vang của dân tộc mỗi khi khách thập phương đến dâng hương và tham quan, Ngã ba Đồng Lộc ngày nay được đầu tư xây dựng với 12 hạng mục gồm: Cổng vào Khu Di tích; tượng đài chiến thắng; nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc; khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc; nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh tại Hà Tĩnh; cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải; tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc; đền thờ Ngã ba Đồng Lộc; cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc; đồi La Thị Tám (núi Mòi); Nhà truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam; Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc.

Anh Trần Hữu Hùng - thuyết minh viên của Ban quản lý Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc phác họa cho du khách về sự tàn khốc trên cung đường huyết mạch năm xưa: “Bản thân tôi vô cùng vinh dự khi được đứng ngay tại nơi đây, hướng dẫn và thuyết minh cho du khách về những giai thoại hào hùng của các anh hùng dân tộc. Bởi vậy mà hằng ngày, dù tiếp rất nhiều đoàn khách đến dâng hương, cảm xúc của tôi khi đứng trước hàng chục, hàng trăm con người để thuyết minh câu chuyện về 10 cô gái TNXP năm ấy vẫn luôn bồi hồi, xúc động và vẹn nguyên như lần đầu tiên được kể về các chị. Qua các câu chuyện đó, tôi mong muốn sẽ truyền tải được niềm tự hào, lòng thành kính và sự biết ơn vô hạn với những chiến sĩ huyền thoại không chỉ với mỗi người dân Việt mà bạn bè quốc tế mỗi dịp ghé về đây”.

Trong khung cảnh yên bình của ngày nay, khó ai có thể hình dung được 56 năm về trước, Ngã ba Đồng Lộc từng là nơi chiến trường ác liệt, quân và dân ta phải hứng chịu từng trận bom rơi, đạn nổ trút liên hồi. Thắp nén tâm nhang thành kính, bạn trẻ Trần Thị Diệu Linh đến từ Nghệ An nghẹn ngào: “Thế hệ trẻ chúng em luôn biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Và, em càng thấm thía, tự hào hơn khi được về đây thăm và nghe câu chuyện về 10 cô gái Đồng Lộc. Em nghĩ không chỉ riêng em, mà mỗi một bạn trẻ khi được đến đây đều sẽ nhận thức được rõ ràng hơn về trách nhiệm của bản thân trước quê hương, đất nước rằng, phải sống có ích, xứng đáng với thế hệ đi trước, với truyền thống cách mạng của dân tộc”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn đó. Xin trích một đoạn trong lời bài hát “Đồng Lộc đẹp mãi tên em” của tác giả Dương Toàn Thiên để bày tỏ niềm tiếc thương, ghi nhớ công ơn và hun đúc lên ngọn lửa yêu nước của những người con đất Việt ngày nay khi nhắc về Ngã ba Đồng Lộc: “Ngàn năm sau, vẫn nhớ mười cô gái lứa tuổi đôi mươi, em quên thân mình cho xe nối chuyến. Pháo đạn mưa bom lòng không nao núng. Vì quê hương, hiến tuổi thanh xuân lẫy lừng chiến công. Trên bao cung đường thẳng hướng tiền phương. Cho nước non mình rạng ngời tên em. Đồng Lộc yêu thương, Đồng Lộc chiến thắng...”.

T.T.HIỀN - H.LY