Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới

14/01/2025 17:16
Chỉ thị số 39/CT-TW của Ban Bí thư vừa ban hành sẽ tạo động lực nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới trên địa bàn Hà Tĩnh.
Link nguồn bài viết
https://baohatinh.vn/nang-cao-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-trong-giai-doan-moi-post280976.html
Truy cập link gốc
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), công tác tín dụng CSXH đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như: nguồn vốn chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn ủy thác tại một số địa phương còn thấp; hiệu quả tín dụng một số vùng chưa cao…

Trước bối cảnh đó, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39/CT-TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH trong giai đoạn mới.

Ngày 30/10/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39/CT-TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH trong giai đoạn mới.



Trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH, trong đó có Chỉ thị số 39/CT-TW tới các tầng lớp nhân dân. Ngoài nguồn vốn được phân bổ, Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà còn tham mưu huyện quan tâm chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng CSXH. Tính đến ngày 5/1/2025, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà đạt trên 880 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà cho biết: “Do mới sắp xếp địa giới hành chính từ huyện Lộc Hà về huyện Thạch Hà nên thời gian tới chúng tôi tập trung kiện toàn lại Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần hạn chế “tín dụng đen… trên địa bàn”.

Vốn tín dụng chính sách tạo thêm nguồn lực để anh Nguyễn Hà Vinh (xã Thạch Long, Thạch Hà) đầu tư hiệu quả mô hình kinh tế trồng và cung ứng cây xanh, cây cảnh.

Thực tiễn cho thấy, nguồn vốn tín dụng CSXH đã tạo điểm tựa để người dân Thạch Hà, nhất là người nghèo, đối tượng xã hội có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất – kinh doanh, thay đổi căn bản đời sống Nhân dân.

Sau nhiều năm làm việc ở công ty cây xanh tại TP Hồ Chí Minh, 5 năm trước anh Nguyễn Hà Vinh (thôn Gia Nghĩa 1, xã Thạch Long, Thạch Hà) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Với kinh nghiệm tích lũy, anh Vinh quyết định khởi động mô hình kinh tế trồng và cung ứng cây xanh, cây cảnh… ra thị trường. Với nhiều chương trình tín dụng CSXH được tiếp cận và vay mượn thêm đối tác, người thân, từ mô hình nhỏ ban đầu đến nay gia đình anh đã sở hữu 3 nhà lưới quy mô, cung cấp cây xanh, cây cảnh, cho doanh thu trên 2,5 tỷ đồng/năm.

Anh Vinh chia sẻ: “Tôi đã vay nhiều chương trình tín dụng CSXH để đầu tư phát triển mô hình kinh tế và hiện nay đang nợ 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm. Tôi nhận thấy, lãi suất tín dụng CSXH ổn định, khung thời gian vay dài nên yên tâm đầu tư. Chúng tôi chỉ kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét tăng nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm để người dân có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao thu nhập”.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh luôn nỗ lực, bền bỉ, thực hiện tốt sứ mệnh là “ngân hàng vì người nghèo”, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Tổng dư nợ của đơn vị hiện đạt gần 500 tỷ đồng với hơn 7.000 khách hàng đang phát sinh dư nợ.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng CSXH Thị xã Kỳ Anh.

Ông Nguyễn Thành Đô – Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh cho hay: “Thời gian qua, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng CSXH, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.

Hiện nay, đơn vị đang phối hợp đẩy mạnh truyền thông để đưa Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư vào cuộc sống. Trong đó, tập trung tham mưu chính quyền địa phương ưu tiên, bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn”.

Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để các đối tượng chính sách được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH, tuy vậy so với các tỉnh, thành tỷ lệ còn thấp (chiếm 5,4%). Mặt khác, nguồn vốn một số chương trình tín dụng chính sách hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân.

Do vậy, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trong tình hình mới; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để các đối tượng chính sách được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi.

Cùng đó, đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng đề án cho vay bằng nguồn ngân sách địa phương hướng đến đối tượng là người dân ở vùng nông thôn mới và người dân được hưởng chính sách đặc thù ở vùng đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Thu Phương