Nan giải xử lý tài sản công

24/11/2024 08:57
Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, Hà Tĩnh có hàng loạt trụ sở, tài sản công phải bỏ hoang. Bài toán chống lãng phí đối với tài sản công vẫn đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương trong đó có Hà Tĩnh.
Link nguồn bài viết
https://daidoanket.vn/nan-giai-xu-ly-tai-san-cong-10295121.html
Truy cập link gốc
Tòa nhà 4 tầng, nơi làm việc của ngành Hải quan ở cổng B, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bỏ hoang.

Loạt trụ sở của địa phương “đắp chiếu”

Thời gian qua, tình trạng trụ sở, tài sản công bỏ hoang gây bức xúc cho người dân bởi việc này không những gây mất mỹ quan, lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự. Vấn đề này được cử tri, nhân dân Hà Tĩnh kiến nghị nhiều lần, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Giai đoạn 2019-2021, Hà Tĩnh sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã. Cũng từ đó, nhiều trụ sở đến nay chưa có phương án giải quyết. Điển hình như năm 2020, các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở của xã Thạch Lâm và Thạch Hương cũ bị bỏ hoang. Trong đó trung tâm hành chính của xã Thạch Hương (cũ) có diện tích rộng hàng nghìn m2, gồm 2 dãy nhà hai tầng cùng hội trường khang trang được xây dựng vào năm 2018 với nguồn vốn 8 tỷ đồng. Song vừa đưa vào sử dụng chưa được 2 năm, thì bỏ hoang.

Tương tự, năm 2020, xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) được sáp nhập từ 3 xã là Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn, trụ sở được đặt tại xã Thạch Vĩnh cũ. Sau gần 5 năm sáp nhập thành xã Lưu Vĩnh Sơn, hai trụ sở hành chính xã Thạch Lưu và Bắc Sơn cũng để không. Các hạng mục trong trụ sở xuống cấp, nguy cơ sập đổ, gây mất an toàn.

Sau khi sáp nhập, hàng loạt trụ sở ở Hà Tĩnh để hoang.

Ngược lên huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), hơn một thập kỷ, Trường THCS Hương Quang cũng bỏ hoang. Trường học được xây dựng khang trang, tiện nghi với nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa một lần đón học sinh. Dự án hoàn thành và bàn giao cho UBND xã Hương Quang (nay là xã Quang Thọ) vào năm 2013, song đến nay xuống cấp, không được sử dụng.

Rà soát của Sở Tài chính Hà Tĩnh, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc địa phương quản lý nhưng chưa hoàn thành xử lý là 245 cơ sở nhà đất. Trong đó, số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11 cơ sở nhà đất; số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý là 234 cơ sở nhà đất.

Ông Trịnh Văn Ngọc – Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh lý giải nguyên nhân nhóm các nhà đất này phát sinh dôi dư là do việc sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tĩnh các giai đoạn trước làm giảm nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở... Mặt khác, do quá trình tái cơ cấu, giải thể một số cơ quan, đơn vị dẫn đến không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng trụ sở, tài sản công.

Sở Tài chính Hà Tĩnh cũng đưa ra nguyên nhân khiến chưa thể xử lý tài sản công dôi dư là do có nhiều vướng mắc. Cụ thể như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh kịp thời; quy định hiện hành còn bất cập trong việc xác định đơn vị tổ chức bán; một số nhà đất tổ chức bán sẽ không khả thi, không có người mua…

Các hạng mục trong trụ sở xuống cấp gây mất an toàn.

Những tòa nhà cửa khẩu quốc tế cũng … bỏ hoang

Ghi nhận tại tại Cổng B, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), những dãy nhà cao tầng được xây dựng khang trang và đang còn mới nhưng heo hút, không một bóng người. Đặc biệt, tòa nhà 4 tầng được đầu tư với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Công trình này trước đây là nơi làm việc của ngành Hải quan Hà Tĩnh. Tuy nhiên vừa mới sử dụng được một thời gian thì tháng 6/2018, Chi cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo chính thức bị giải thể. Nguồn nhân lực được điều động, luân chuyển đến đơn vị trực thuộc khác, trụ sở này bỏ hoang từ đó.

Nằm đối diện là trụ sở làm việc liên ngành, khu vực Cổng B, tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng cũng trong tình trạng bỏ hoang. Một công trình khác cũng trong tình trạng không còn hoạt động là dự án cổng kiểm soát giữa khu kinh tế và nội địa (Cổng B) được hoàn thành năm 2010. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Hiện nay dự án này không còn sử dụng, một số hạng mục đã xuống cấp.

Một trụ sở làm việc cấp xã để hoang.

Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo có diện tích gần 57ha, được thành lập, hoạt động vào năm 2007. Nơi đây từng được xem là vị trí chiến lược phát triển kinh tế trọng điểm ở vùng biên giới và trở thành điểm sáng thu hút đầu tư khi là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư. Tuy nhiên, tháng 9/2016, khi Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13 ra đời, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước. Từ đó hạ tầng tại khu cửa khẩu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trụ sở, tòa làm việc bỏ hoang.

Thời gian qua, ngành chức năng Hà Tĩnh cũng đưa ra phương án giao cho UBND huyện Hương Sơn quản lý, sử dụng trụ sở trên, song địa phương không có nhu cầu nên trụ sở vẫn đang “đắp chiếu”. Ngoài huyện Hương Sơn, một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Tĩnh cần phải rà soát, xử lý như Trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Can Lộc, huyện Cẩm Xuyên…

Đến nay, Sở Tài chính Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận 49 cơ sở nhà đất không còn nhu cầu sử dụng của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương chuyển về địa phương nhưng vẫn còn 20 cơ sở chưa có phương án xử lý. Trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn 12 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các Bộ, Cơ quan trung ương không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh nhưng chưa được chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý

Nguyên nhân chưa xử lý được theo Sở Tài chính Hà Tĩnh là do các cơ sở nhà, đất thuộc nhóm này phụ thuộc phần lớn vào tiến độ phê duyệt phương án và xử lý của các cơ quan trung ương. Điều này dẫn đến có một số cơ sở nhà đất, mặc dù địa phương đã đôn đốc, phối hợp và có văn bản, ý kiến kịp thời, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.

Giải pháp nào cho tài sản công?

Đối với nhóm tài sản công thuộc cấp Trung ương, Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để làm việc, đôn đốc và phản hồi kịp thời các ý kiến của các Bộ, cơ quan chủ quản để đẩy nhanh tiến độ việc trình, phê duyệt phương án sắp xếp, sớm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chuyển giao nhà đất về địa phương quản lý, xử lý. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị để rà soát nhu cầu tiếp nhận để sử dụng hoặc định hướng xử lý để tham mưu UBND tỉnh phương án giao quản lý, sử dụng, xử lý đảm bảo hiệu quả.

“Đối với các nhà đất đã có ý kiến từ các Cơ quan Trung ương có thẩm quyền, Sở Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện hồ sơ để kịp thời tham mưu phương án xử lý theo đúng quy định”, ông Trịnh Văn Ngọc cho biết.

Về nhóm trụ sở, tài sản công do địa phương quản lý, giải pháp được Sở Tài chính Hà Tĩnh đưa ra là tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư trên địa bàn toàn tỉnh. Thành lập tổ công tác trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sở Tài chính đề nghị các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi do địa phương quản lý.

Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, trên cơ sở góp ý của các tỉnh thành trên cả nước, các cơ quan, bộ ngành Trung ương đã nhận diện những khó khăn vướng mắc đang tồn tại, theo đó Bộ Tài chính đã lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021. Tại dự thảo lần này đã quy định theo hướng cho phép địa phương phân cấp thẩm quyền bán theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý (HĐND tỉnh quyết định hoặc quy định về thẩm quyền bán).

Dự thảo nghị định sửa đổi, về thẩm quyền quyết định bán sẽ do HĐND tỉnh quy định, theo đó đối tượng được tổ chức bán tài sản sẽ được mở rộng hơn. Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, đã quy định rõ hơn về trình tự, chi tiết thủ tục bán tài sản. Như vậy, khi các Nghị định sửa đổi được ban hành sẽ cơ bản giải quyết được những vướng mắc, bất cập về cơ chế để tạo điều kiện sớm xử lý các tài sản dôi dư, tránh lãng phí tài sản.

HẠNH NGUYÊN