Năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, Nghệ An

15/04/2024 18:26
Chiều 15-4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Link nguồn bài viết
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/nam-2024-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-se-xem-xet-co-che-dac-thu-phat-trien-tp-da-nang-nghe-an-772902
Truy cập link gốc
Năm 2024, xây dựng mới, trình Quốc hội 20 dự án, dự thảo

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 16 dự án luật và thông qua 21 dự án, dự thảo.

Về tình hình thực hiện Chương trình năm 2024, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết điều chỉnh chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2024, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 23 dự án, dự thảo. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 dự án, dự thảo.

Do đó, năm 2024, Chính phủ còn phải phối hợp chỉnh lý, xây dựng mới, trình Quốc hội 20 dự án, dự thảo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của năm; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh tổ chức các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hằng tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình đều được Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến rồi mới trình Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về đề nghị của Chính phủ về chương trình năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024, Chính phủ đề nghị Chương trình phải bảo đảm tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần bảo đảm các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với 100% ý kiến tán thành.

Năm 2024 sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, Nghệ An

Trên cơ sở các nguyên tắc đã nêu trên, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị điều chỉnh, bổ sung các dự án, dự thảo, Chương trình năm 2024 sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 9 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Trong đó, Chương trình đề nghị bổ sung vào chương trình 3 dự án, dự thảo, trong đó có dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An và Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, Kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024) cũng bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án dự án Luật Điện lực (sửa đổi); bổ sung vào Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025) sẽ trình nhiều dự án luật mới, trong đó có Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Đường sắt (sửa đổi)....

* Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với 100% ý kiến tán thành.

ANH PHƯƠNG