Link nguồn bài viết https://baotintuc.vn/ban-doc/mon-moi-cho-tai-dinh-cu-o-du-an-nghin-ty-20241220080947466.htm
Truy cập link gốc
Do nằm trong vùng phải giải phóng mặt bằng nên người dân bản Bình Quang, xã Châu Bình không được xây mới, sửa chữa nhà cửa dù đã xuống cấp nghiêm trọng.Cơ sở hạ tầng ở bản làng không được đầu tư, nhà cửa không được phép sửa chữa, xây dựng, các hộ dân vẫn đành phải chật vật, bám trụ trong cảnh “không điện, không đường, không trường, không trạm” chờ ngày tái định cư.
Mòn mỏi đợi chờTừ một bản làng đông đúc với hàng trăm hộ dân sinh sống, bản Bình Quang, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu nay đã trở thành nơi bị “lãng quên”. Để vào được bản chỉ có một con đường cấp phối duy nhất với chi chít ổ gà, ổ voi. Không điện, không trường, cuộc sống người dân nơi đây đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Theo anh Hồ Xuân Châu, ở bản Bình Quang, sau khi dự án hồ chứa nước Bản Mồng được khởi công, công tác kiểm đếm, thống kê các hộ ảnh hưởng để di dời được các cấp chính quyền triển khai. Tuy nhiên, một thời gian sau không hiểu vì lý do gì việc đền bù và tái định cư không được thực hiện. Sống trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án, các hộ dân nơi đây không được phép xây dựng nhà mới, không được sửa chữa nên nhà cửa lụp xụp, mùa nắng nóng bức, mùa mưa thấm dột, có nguy cơ đổ sập. Vừa qua, anh Châu và một số hộ trong bản mới được nhà nước hỗ trợ cho sửa lại.
Không chỉ điều kiện sống khó khăn, điều kiện học hành của trẻ em cũng bị anh hưởng. Bởi thực tế, các trường học trên địa bàn đã di dời đến bản Quỳnh Hai, cách vị trí đó gần 10km. Để cho con đi học, một số gia đình phải vay mượn tiền mua xe máy.
Riêng anh Châu có 4 con đang ở nhờ nhà bà nội, bà mới mất nên các cháu phải tự chăm sóc lẫn nhau. “Họ cứ hẹn lần này đến lần khác sẽ đền bù, di dời tái định cư nhưng đã gần 8 năm kể từ ngày một số hộ trong thôn được đền bù, đến nay, hơn 30 hộ dân trong bản vẫn chưa được đền bù. Hiện tại, bà con phải vật lộn với cuộc sống không điện, không đường, không trường, không trạm. Mỗi lần đau ốm cần đi viện thì phải thuê xe tải vào chở chứ xe nhỏ không thể vào bản vì đường cấp phối xuống cấp, lầy lội” anh Châu chia sẻ.
Do thuộc diện phải di dời của dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nên từ nhiều năm nay, bà con nơi đây gần như đã mất đi sinh kế. Giờ đây, kinh tế chủ yếu dựa vào một ít diện tích lúa, cây trồng ngắn ngày và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ngôi nhà đổ nát của một hộ dân đã di dời sau khi nhận đền bù ở bản Bình Quang, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.Bà Phạm Thị Loan, bản Bình Quang, cho biết, từ khi có dự án, bà con nơi đây không biết làm gì để trang trải cuộc sống. Trồng sắn thì lỗ, trồng keo thì không biết có được thu hoạch không vì không biết khi nào đất bị thu hồi. Hy vọng cấp trên sớm thực hiện dự án, hỗ trợ đền bù để người dân được di dời về nơi ở mới, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, bà Loan bày tỏ.
Cần đẩy nhanh tiến độÔng Lô Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cho rằng: Dự án Thủy lợi Bản Mồng kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất, điều kiện sinh sống của khoảng 1.000 hộ trong xã, tập trung ở các bản Bình Quang, Ba Tư, Quỳnh 1, Kẻ Nâm, Kẻ Khoang… Trong đó, bản Bình Quang bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 140 hộ phải di dời. Thời gian qua, hơn 100 hộ dân đã được đền bù và di dời đến nơi ở mới, hiện còn hơn 35 hộ bị ảnh hưởng nhưng chưa được đền bù.
Để có nơi ở mới cho người dân phải di dời nhà cửa, chính quyền huyện Quỳ Châu đã cho xây dựng 2 khu tái định cư tại xã Châu Bình. Tuy nhiên, sau nhiều năm, người dân vẫn chưa thể đến làm nhà ở tại đây. Nguyên do là khu tái định cư số 1 độ dốc nền lớn, lên đến 12% nên cần phải điều chỉnh lại. Trong khi, khu tái định cư còn lại mới chỉ làm mặt bằng, phải chờ ngăn đập phụ xong mới thi công hạ tầng cho công trình.
Để dự án hoàn thành đúng tiến trình, phát huy hiệu quả đầu tư, ngày 25/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản 8060/TB-BNN-VP yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ để hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2025.
Trong đó, Bộ yêu cầu các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa phải đẩy nhanh thực hiện công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng, tái định cư; đảm bảo an toàn vùng lòng hồ để hoàn thiện thủ tục chặn dòng công trình đầu mối. Mục tiêu là hoàn thành dự án giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2025; hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng dự án trước ngày 31/7/2025.
Từ một bản làng đông đúc với hàng trăm hộ dân sinh sống, bản Bình Quang, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu nay đã trở thành nơi bị “lãng quên” với nhiều không “không điện, đường đường, không trường, không trạm, không sóng điện thoại”.Ông Thái Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở và Ban đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết theo tiến độ, cố gắng đạt mốc Bộ đề ra. Cụ thể, đơn vị đã đôn đốc huyện sớm ổn địch các khu tái định cư để người dân có thể vào ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất; đồng bộ đưa công trình thủy lợi vào hoạt động để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Song song với các vấn đề liên quan, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị tư vấn đảm bảo hoàn thành các hạng mục kịp tiến độ đề ra, sớm đưa công trình vào vận hành.
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được khởi công từ năm 2010. Sau khi điều chỉnh, dự án có nguồn vốn trên 5.500 tỷ đồng. Theo thiết kế, lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Khi hoàn thành, dự án sẽ cấp nước tưới cho gần 19.000 ha cây trồng ven sông Hiếu, cấp nước cho sản xuất công nghiệp và dân sinh, bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45 MW.
Bài, ảnh: Văn Tý (TTXVN)