Link nguồn bài viết https://phunuvietnam.vn/mo-duong-cho-tho-cam-xu-nghe-di-xa-20241117175655507.htm
Truy cập link gốc
Thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại, liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của các địa phương khác. Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, là bản Thái cổ, được biết đến là một trong những địa chỉ dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Tiếp nối qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Thái đang cùng nhau phát triển nghề dệt thổ cẩm đã có lịch sử lâu đời. Bằng tình yêu nghề và đôi bàn tay khéo léo, họ âm thầm "đánh thức" khung cửi, giữ nghề dệt truyền thống.
Bao đời nay, những người phụ nữ nơi này đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Với những đôi bàn tay khéo kéo, những người phụ nữ chúng tôi vẫn cứ miệt mài bên những chiếc khung cửi, dù trải qua những năm tháng tưởng chừng như mất nghề. Cứ như thế, với vòng quay cuộc sống, biết bao đời nay, những người phụ nữ ấy vẫn gắn bó và phát triển nghề. Tấm vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến được ưa chuộng nhờ hoa văn trang trí bắt mắt, mang nét đặc trưng riêng. Nghệ thuật trang trí phong phú với hơn 30 loại hoa văn, họa tiết hoa văn như con hươu, con nai, con hổ hay mặt trăng…
Nghệ nhân Sầm Thị Tình tiếp thu, sáng tạo hoa văn mới để sản xuất ra những mặt hàng thổ cẩm có tính ứng dụng cao.Sinh ra, lớn lên trong cái "nôi" thổ cẩm bản Hoa Tiến, từ lúc 7 - 8 tuổi, cô bé Sầm Thị Tình đã được mẹ của mình là Sầm Thị Bích, Giám đốc HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, truyền dạy, hướng dẫn cách dệt vải thổ cẩm. Từ đó, tình yêu với nghề dệt đã được nhen nhóm, hình thành, cô đã tự mình tạo ra những sản phẩm dệt. Đặc biệt, cô đã tiếp thu, sáng tạo được những hoa văn mới, những mặt hàng thổ cẩm có tính ứng dụng cao.
Mở rộng thị trường cho thổ cẩm truyền thốngChị Sầm Thị Tình cho biết, nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến là bảo tồn những giống tằm địa phương cùng quá trình canh tác dâu, trồng bông thủ công. Bà con nơi đây biết sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn trong vườn, trong rừng để chế thuốc nhuộm màu. Đến nay, Hoa Tiến đã chế được 52 màu để nhuộm cho nhiều chất liệu như vải tằm thô, lụa, vải bông, vải linen...
Bên cạnh đó, người Thái ở Hoa Tiến còn bảo lưu kỹ thuật dệt - nhuộm với độ tỉ mỉ cao, tạo ra các hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn. Các sản phẩm từ Hoa Tiến rất đặc trưng, với vải có độ thô nhất định từ chất liệu, đường thêu chắc chắn, màu nhuộm tự nhiên đa dạng, bền đẹp với thời gian.
Sản phẩm của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến được giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài nướcHiện nay, dệt thổ cẩm Hoa Tiến đã được công nhận là sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Nghệ An. Ngoài những sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn piêu..., chị Sầm Thị Tình đã thiết kế, gia công nhiều sản phẩm có giá trị như: khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông, các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn...
Không chỉ phát triển ở bản làng, HTX đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
HTX tổ chức các workshop trải nghiệm, giới thiệu các nét đẹp của thổ cẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước.Chị Sầm Thị Tình chia sẻ thêm: HTX đã đổi mới cách quảng bá sản phẩm thổ cẩm với những giá trị văn hóa truyền thống tới thị trường trong nước và quốc tế bằng việc mang sản phẩm của HTX Hoa Tiến lên nhiều kênh online, tổ chức các workshop trải nghiệm, giới thiệu các nét đẹp của thổ cẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước. Bằng những nỗ lực của cả tập thể, sản phẩm dệt thổ cẩm Hoa Tiến đã vươn xa không chỉ ở thị trường trong nước mà còn được đón nhận tại một số quốc gia như Úc, Đức, Pháp, Nga, Lào, Thái Lan, Cannada…
Từ đó, thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại mà còn liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống từ HTX và các dân tộc ở nhiều địa phương khác.
Lê Hoa