Mai một làng nghề giấy dó độc nhất xứ Nghệ

28/12/2024 08:36
Không ai biết nghề làm giấy dó ở xã Nghi Phong, TP Vinh (Nghệ An) có từ khi nào. Hiện tại, do nhiều yếu tố, nguồn nguyên liệu mất dần khiến nghề này cũng mai một.
Link nguồn bài viết
https://www.baogiaothong.vn/mai-mot-lang-nghe-giay-do-doc-nhat-xu-nghe-19224122622183319.htm
Truy cập link gốc
Làng nghề độc nhất

"Cái độc nhất không chỉ là trong gần 200 làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh thì chỉ duy nhất nơi đây làm nghề giấy dó. Cái độc còn ở chỗ, các công đoạn hoàn toàn phải làm bằng thủ công, không hề có sự hỗ trợ của các loại máy móc nào", ông Nguyễn Văn Hà (làng Phong Phú, nay là xóm 3, xã Nghi Phong, TP Vinh) tự hào.

Bà Vương Thị Loan thu gom giấy sau hơn 2 giờ phơi nắng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hà (64 tuổi) và bà Vương Thị Loan (58 tuổi) là một trong ít hộ cuối cùng còn giữ nghề của ông cha để lại. Ông Hà kể: "Khi tôi sinh ra đã nghe tiếng chày giã vỏ dó, vỏ niệt (nguyên liệu làm giấy). Lớn lên, tôi có hỏi ông bà thân sinh nghề làm giấy dó của làng có từ bao giờ thì ông bà lắc đầu nói, thời ông cố, ông kỵ đã có rồi".

Theo ông Hà, nguyên liệu chính để làm giấy trước đây là cây dó và cây niệt. Thế nhưng cây dó đã mất dần. Người dân trong làng phải lặn lội vào sâu trong rừng ở các huyện vùng cao như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương… mới có nhưng số lượng không nhiều. Bởi thế, người dân ít dùng nguyên liệu này làm giấy.

Trong khi đó, cây niệt mọc nhiều ở các bãi cát biển vùng Nghi Lộc, Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An). Người dân chỉ việc đi ra chặt các cành về là có thể làm ra giấy. Ngày nay, cùng với sự phát triển của đô thị, cây niệt ở Nghệ An không còn, người dân trong làng lại vào các bãi cát vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tìm mang về.

Dùng máy không thể thành giấy

Quy trình, công đoạn để làm ra một tờ giấy dó cũng rất cầu kỳ và công phu. Cành cây niệt sau khi mang về sẽ được lột ra, chỉ lấy phần vỏ. Sau đó, người thợ sẽ dùng dao, cạo đi lớp đen bên ngoài vỏ rồi tước ra cho đến khi mỏng như tờ giấy là được.

Sản phẩm giấy dó ở Nghi Phong có thể dùng bọc cá nướng, làm quạt, giấy viết thư pháp, đèn lồng…

Lớp vỏ sau đó được nhồi với nước vôi tôi (vôi đã phi ra) rồi bỏ vào nồi nấu liên tục hơn 1 ngày để những vỏ cây từ dai cứng trở nên mềm hơn. Sau đó, lớp vỏ cây được lấy ra ngâm với nước để cho sạch lớp vôi rồi đem bỏ lên thớt đá, dùng chày giã tơi ra.

Tiếp tục, người thợ lấy phần bã cây đánh với nước lạnh rồi trộn vào nước nhờn được lấy từ cây bìm bìm. Cuối cùng hỗn hợp đó được tráng lên khung giấy, đem đi phơi. Trời nắng thì khoảng hơn 2h đồng hồ là được, trời âm u thì lâu hơn.

"Đặc thù của nghề làm giấy dó là các công đoạn hoàn toàn thủ công, không hề có sự hỗ trợ của loại máy móc nào. Chúng tôi cũng đã thử dùng máy xay ra thay vì dùng chày giã. Thế nhưng, sau khi bỏ lên khuôn phơi thì không thành giấy được. Thành ra, để làm ra tấm giấy dó, người làm nghề hầu như không nghỉ tay trong ngày", ông Hà nói.

Lo không giữ được nghề

Khi được hỏi về tương lai nghề của làng, ông Nguyễn Văn Hà giọng chùng xuống, buồn hẳn. Ông nói: "Với thế hệ chúng tôi, nghề làm giấy dó thường được gọi là nghề cứu đói. Lúc bấy giờ kinh tế khó khăn, cuộc sống người dân còn thiếu thốn đủ bề.

Ông Nguyễn Văn Hà cạo vỏ cây niệt làm giấy dó.

Thế nhưng, chỉ cần tranh thủ, sáng đi cắt cành, bóc vỏ cây, mai là có tiền về đong gạo. Như nhà tôi, nuôi 4 người con trưởng thành, khôn lớn, học hành một phần cũng nhờ nghề giấy dó.

Nghề nó cứu mình, nhưng ngược lại giờ đây mình không nuôi được nó nên buồn và trăn trở lắm. Cả làng trước đây có hơn 100 hộ làm nghề, giờ còn lại chỉ 4 hộ. Người làm nghề cũng là những người lớn tuổi, không làm được công việc gì khác. Còn thế hệ trẻ thì dường như không biết đến".

Theo ông Hà, ngành nghề sử dụng giấy dó làm nguyên liệu không ít, như bọc cá nướng, làm quạt, giấy viết thư pháp, đèn lồng… Tuy nhiên, cùng với cây nguyên liệu (cây niệt) ít dần, thu nhập thấp là nguyên nhân người dân không mặn mà với nghề ông cha.

"Tôi đã ngồi tính toán, nếu 2 vợ chồng làm việc cật lực thì trung bình cũng chỉ được khoảng 150 ngàn đồng - không bằng nửa ngày công của người phụ hồ. Cũng đã có người trong làng đi tìm các đầu mối mua giấy, rồi về đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, nhưng vì không có lợi nhuận nên được một thời gian, họ phải nghỉ", ông Hà chia sẻ.

Nghe chồng nói vậy, bà Vương Thị Loan thở dài, người có sức họ đi làm thợ xây, thợ hồ. Còn lớp trẻ, ai đi học thì theo ngành, theo nghề, còn không thì đi nước ngoài xuất khẩu lao động thu nhập tháng cả chục triệu.

"Nhà tôi có 4 người con nhưng không ai theo nghề, đứa con gái duy nhất biết làm lại ở xa. Ba gia đình còn lại trong làng làm nghề cũng đều đã lớn tuổi. Có lẽ, khi thế hệ chúng tôi không còn, chúng tôi cũng mang theo nghề sang thế giới bên kia…", bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, để nghề quý của tổ tiên không bị mất đi, những người còn làm nghề đều sẵn sàng chia sẻ cho bất cứ ai, chứ không có tư tưởng giữ cho riêng mình. Trước đây có một người ở Diễn Châu vào học nghề, vợ chồng bà vui vẻ truyền lại.

"Chúng tôi từng tham gia chia sẻ ở những buổi trải nghiệm do Bảo tàng Nghệ An và một số đơn vị tư nhân tổ chức. Thậm chí, có người Hàn Quốc từng đến nhà chúng tôi học nghề, mua khung và đem giấy về nước của họ. Họ còn nhờ chúng tôi thử nghiệm nhiều mẫu mã giấy dó khác nhau, đẹp lắm", bà Loan kể.



Sỹ Hòa